Phố Wall đỏ lửa trước nỗi lo ngành ngân hàng

Chứng khoán Mỹ sụt giảm vào hôm 2/5 khi các nhà giao dịch lo ngại về sự lây lan trở lại trong lĩnh vực ngân hàng trước quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Cổ phiếu ngân hàng trượt dốc, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF sụt hơn 6%. Nhà giao dịch lo ngại về sự ổn định của các tổ chức tài chính khu vực sau cuộc khủng hoảng nhấn chìm Phố Wall vào tháng 3 và dẫn đến sự kết thúc của Silicon Valley Bank và First Republic Bank. Các ngân hàng khu vực PacWest và Western Alliance cũng lần lượt lao dốc 27% và 15%.

Trong khi đó, cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 1,6%. Các ngân hàng lớn khác bao gồm Goldman Sachs và Citigroup cũng hạ hơn 2%. Bank of America giảm 3%.

Greg Bassuk, Giám đốc điều hành của AXS Investments cho biết: "Chúng tôi cho rằng những lo ngại xung quanh lĩnh vực ngân hàng, cùng với sự bất an về trần nợ và quan trọng nhất là lập trường chính sách lãi suất không chắc chắn của Fed trong tương lai đều góp phần tạo nên tâm lý lo sợ này".

Cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed dự kiến sẽ kết thúc với việc ngân hàng trung ương công bố một đợt tăng lãi suất thêm 0,25% vào hôm nay (3/5). 

Phố Wall đỏ lửa trước nỗi lo ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Bên ngoài ngân hàng First Republic chi nhánh San Francisco, California ngày 28/4. Ảnh: Reuters.

Theo công cụ FedWatch của Tập đoàn CME, các nhà giao dịch đang dự báo xác suất khoảng 85% tăng lãi suất. Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm manh mối về việc liệu Fed sẽ giữ lãi suất ổn định sau cuộc họp này hay liệu họ có thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), ngày 1/5 thông báo tịch thu tài sản của ngân hàng First Republic và bán lại cho JPMorgan để ngăn cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng. FDIC cũng thông báo toàn bộ 84 chi nhánh của ngân hàng ở 8 tiểu bang đã được mở lại dưới danh nghĩa chi nhánh của ngân hàng JPMorgan Chase, AP đưa tin.

Ngay sau đó, những người đã gửi tiền có thể tiếp cận được khoản tiền gửi. Giới chức Mỹ được cho là muốn có lời giải cho việc tiếp quản First Republic trước khi thị trường chứng khoán mở cửa. Thị trường tại nhiều quốc gia đóng cửa ngày 1/5 để nghĩ lễ Quốc tế Lao động.

First Republic đã là vụ phá sản ngân hàng thứ 3 tại Mỹ sau hai tháng, kể từ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley. Đây cũng là ngân hàng lớn thứ 2 phá sản trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau Washington Mutual vào năm 2008 - cũng được JPMorgan mua lại sau đó.

Toàn bộ số tiền gửi trị giá 104 tỷ USD và phần lớn tài sản 229 tỷ USD của First Republic đã được bán cho JPMorgan, FDIC thông tin.

Các nhà đầu tư không bị thuyết phục. Một lý do tại sao: Bất chấp tình trạng hỗn loạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn đang trên đà tăng lãi suất khi họp vào tuần này.

Lãi suất tăng đã thúc đẩy khách hàng của ngân hàng chuyển tiền của họ từ tài khoản séc sang các sản phẩm như Trái phiếu kho bạc mang lại lợi suất cao hơn. Các ngân hàng như Ngân hàng Silicon Valley và First Republic phụ thuộc nhiều vào các khoản tiền gửi lớn, giá rẻ đặc biệt dễ bị tổn thương.

Phố Wall đỏ lửa trước nỗi lo ngành ngân hàng - Ảnh 2.

PacWest cho biết họ sẽ khám phá 'việc bán tài sản chiến lược' để tăng tính thanh khoản. Ảnh: The Wall Street Journal

Nhà phân tích Jason Goldberg của Barclays cho biết: "Thị trường dường như luôn lo lắng. "Với First Republic đã biến mất, họ đang tìm kiếm những nơi khác có thể bị thách thức".

Cổ phiếu của PacWest và Western Alliance đã giảm rõ rệt kể từ đầu tháng 3. Giống như Ngân hàng Silicon Valley, cặp đôi này phục vụ rất nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ - một nhóm gắn kết chặt chẽ đã tỏ ra bình thản khi ngân hàng gặp khó khăn.

Tiền gửi tại cả hai ngân hàng đã ổn định sau khi dòng tiền chảy ra ở mức hai con số trong quý đầu tiên. PacWest cho biết họ sẽ khám phá việc "bán tài sản chiến lược" để tăng tính thanh khoản.

Julian Wellesley, nhà phân tích ngân hàng toàn cầu tại Loomis Sayles có trụ sở tại Boston, cho biết: "Chúng ta có thể đang bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh niên. "Đó là một triển vọng khó khăn cho các ngân hàng khu vực".

Một số người cho biết những lo ngại về các ngân hàng khu vực đã bị thổi phồng sau kết quả quý đầu tiên. Hầu hết vẫn công bố lợi nhuận vững chắc trong quý đầu tiên, mặc dù một số trong số đó không đạt được kỳ vọng của Phố Wall.

Nhà phân tích Jon G. Arfstrom của RBC Capital Markets đã viết trong một ghi chú nghiên cứu vào chiều thứ 2/5, đợt bán tháo gần đây trong lĩnh vực này phản ánh "tâm lý tiêu cực không có cơ sở" hơn là bất kỳ thông tin mới nào.

Tuy nhiên, các ngân hàng khu vực đã cảnh báo về một môi trường khó khăn hơn phía trước. Nhiều ngân hàng báo cáo lượng tiền gửi giảm nhẹ và hạ dự báo lợi nhuận, cho biết họ sẽ phải trả lãi cao hơn cho các tài khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi để giữ chân khách hàng.

Giám đốc điều hành của Huntington Bank Steve Steinour nói với The Wall Street Journal: "Những thất bại đã tạo ra một bước ngoặt cho ngành".

(Nguồn: The Wall Street Journal)

LAN ANH