Quý I/2022 đánh dấu sự “bùng nổ” của tăng trưởng tín dụng

Quý I/2022 đánh dấu sự “bùng nổ” của tăng trưởng tín dụng khi dư nợ cho vay của 27 ngân hàng niêm yết tăng tới 6,4%, trong khi mục tiêu cả năm toàn ngành chỉ tăng khoảng 14% và quý đầu năm thường là giai đoạn giải ngân thấp điểm.

Thực trạng này cho thấy nền kinh tế đang quay trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao, các doanh nghiệp đang rất “khát” vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.Lãi dự thu là một chỉ tiêu ít được chú ý nhưng có vai trò đáng kể trong việc đánh giá chất lượng tài sản cũng như chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác, đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Các ngân hàng buộc sẽ phải ghi giảm doanh thu nếu khoản lãi không được thu trong cùng kỳ kế toán, hoặc sẽ phải ghi tăng chi phí nếu điều này xảy ra ở một kỳ kế toán khác.

Thống kê đối với 27 ngân hàng niêm yết cho thấy tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản của Eximbank, Vietcombank và ACB là thấp nhất, lần lượt chỉ 0,51%, 0,56% và 0,57%. Nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ này ở mức dưới 1% như VietinBank, BIDV, ACBBank, VIB, TPBank, MB, OCB, Kienlongbank, HDBank và VPBank.

Có 3 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này vọt lên trên 2%, đó là BacABank với 2,44%, NCB với 2,5% và VietABank với 3,51%. Trong số này, đáng chú ý nhất là BacABank bởi xét về tỷ lệ nợ xấu hay tỷ lệ bao phủ nợ xấu thì đây là ngân hàng ít rủi ro hàng đầu nhưng xét về tỷ lệ lãi dự thu thì lại không.

Để mường tượng rõ hơn về sức ảnh hưởng của lãi dự thu tới nguồn lực của ngân hàng, có thể xét tới tỷ lệ lãi dự thu/vốn chủ sở hữu. Một lần nữa, BacABank lọt vào top 3 với tỷ lệ 30,9%, nghĩa là trong giả định cực đoan nhất là các ngân hàng chỉ được ghi nhận lãi thực thu và phải thoái toàn bộ lãi dự thu, vốn chủ sở hữu của BacABank sẽ mất đi gần 1/3. Giả định này không xảy ra trong thực tế, chỉ giúp mường tượng về mức độ rủi ro khi lãi dự thu quá nhiều so với quy mô ngân hàng.

NCB và VietABank là 2 ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/vốn chủ sở hữu cao nhất, lần lượt lên đến 43,1% và 47,6%.

Không ít ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này ở mức trên 20% như VietCapitalBank (21,1%), Sacombank (22,4%), SHB (23,2%), LienVietPostBank (26%), NamABank (26,5%) và VietBank (27,4%).

Trong số các ngân hàng trên, Sacombank là ngân hàng ghi nhận tín hiệu tích cực khi tỷ lệ này giảm từ mức 29% cuối năm 2021; tương tự là trường hợp của LienVietPostBank (giảm từ mức 32%), NamABank (giảm từ mức 35%). Trái lại, tỷ lệ này tăng mạnh ở VietCapitalBank (từ mức 18,5%), SHB (từ mức 17,9%) và VietBank (từ mức 25,2%).

Các ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/vốn chủ sở hữu thấp nhất là Eximbank (4,7%), VPBank (5,5%) và ACB (6,3%). Khá nhiều ngân hàng cũng ghi nhận tỷ lệ này dưới 10% gồm OCB, Vietcombank, ABBank, Techcombank, MB, Saigonbank, TPBank và VIB.

Tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết tăng 9,2% trong quý I/2022, tức là cao hơn mức tăng của dư nợ cho vay. Nếu tính cả nợ cần chú ý (nợ nhóm 2), tổng nợ có vấn đề của 27 ngân hàng tăng 12,2%, cao gần gấp đôi mức tăng dư nợ cho vay.

Tuy nhiên nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu vẫn đang ở mức khá thấp, tăng từ mức 1,37% cuối năm 2021 lên mức 1,41% cuối quý vừa qua. Tỷ lệ nợ có vấn đề tăng từ 2,59% lên 2,73%.

Đặc biệt, quy mô dự phòng rủi ro cho vay đã tăng 15,8% trong quý vừa qua, nhờ đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 142% lên 151%. Xét rộng hơn với nợ có vấn đề, tỷ lệ bao phủ cũng tăng từ 75% lên 78%. Với “bộ đệm” dầy hơn và tiếp tục duy trì ở mức cao, nợ xấu bớt đáng ngại hơn dù tăng cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối.

Nhìn ở bức tranh tổng thể, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn an toàn, trong tầm kiểm soát. Nhưng đi sâu hơn, không phải ngân hàng nào cũng có thể yên tâm về chất lượng tài sản.

Ở “phe” tích cực, tương tự như cuối năm 2021, Techcombank, BacABank, Vietcombank và ACB vẫn là 4 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, tuy nhiên có sự xáo trộn trong bảng xếp hạng khi cuối quý vừa qua, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất với 0,39%, còn “quán quân” kỳ trước là Vietcombank rơi xuống vị trí thứ 3 với tỷ lệ nợ xấu 0,81%; xen giữa là BacABank với tỷ lệ nợ xấu 0,75%; với ACB, tỷ lệ này ở mức 0,83%.

Đây cũng là 4 trong số 7 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống, trong đó đứng đầu là Vietcombank với tỷ lệ bao phủ lên đến 373%, Techcombank đứng thứ hai với 272%. Một mặt, điều này cho thấy chất lượng tài sản rất tốt của hai “ông lớn” trên, mặt khác, với các ngân hàng lớn lại có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, việc tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao vượt trội cũng là điều dễ hiểu bởi quy mô dự phòng chung lớn (do dư nợ cho vay lớn).

Không chỉ các ngân hàng trên, BIDV và MB cũng là 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Ở “phe” tiêu cực, VPBank, VietBank, NCB, PGBank, VietCapitalBank và Saigonbank là 6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất. Tuy nhiên trường hợp của VPBank khá đặc biệt bởi nợ xấu gộp cả công ty tài chính FE Credit (mô hình quản trị rủi ro khác với ngân hàng), nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu của VPBank không nằm trong nhóm cao nhất.

Đáng ngại là trường hợp của VietBank khi tỷ lệ nợ xấu lên đến 4,34% tính đến cuối quý I/2022, tồi tệ hơn con số 3,65% cuối năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức thấp, thậm chí còn giảm từ 50% xuống 45%.

Một ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu trên ngưỡng 3% là NCB. Tính đến cuối quý vừa qua, tỷ lệ nợ xấu của NCB ở mức 3,73%, tăng so với mức 3% cuối năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 55% xuống 33%. Trên thực tế, đây là ngân hàng chật vật tái cơ cấu trong nhiều năm qua nên bên cạnh nợ xấu nội bảng như đã đề cập, còn lượng lớn nợ xấu ngoại bảng, nếu gộp cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng thì tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng vọt.

Ngoài NCB, Sacombank cũng là ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều nợ xấu ngoại bảng. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối quý I/2022 chỉ 1,28% nhưng nếu gộp cả nợ xấu ngoại bảng, con số có thể vọt khoảng 5%.

Tổng Hợp