Sản xuất công nghiệp gặp khó ngay từ đầu năm 2023 do thiếu đơn hàng

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/1/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức giảm khá mạnh và nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 1 nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Năm ngoái, Tết Nguyên đán Nhâm Dần diễn ra vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác cũng đã được chỉ ra, đó là số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2023.

Trên thực tế, xu hướng sụt giảm đơn hàng đã xuất hiện từ quý IV/2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, tiêu dùng giảm. Sản xuất công nghiệp cũng đã chậm lại từ quý IV/2022.

Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tháng 1/2023 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 4,9%, làm giảm 0,8 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Sản xuất công nghiệp gặp khó ngay từ đầu năm 2023 do thiếu đơn hàng - Ảnh 1.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước.

Trong đó, Vĩnh Long giảm 22,8%; Vĩnh Phúc giảm 28,7%; Tp.HCM giảm 21,4%; Đồng Nai giảm 15,7%; Bình Dương giảm 17,4%; Hà Nội giảm 23,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 13,8%; Hải Dương giảm 20,2%; Quảng Bình giảm 26,5%...

Đây đều là các địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn. Khi IIP của các địa phương này giảm mạnh đã ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung của toàn nền kinh tế.

Nếu xét riêng về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều địa phương có mức giảm mạnh, phần lớn do doanh nghiệp chưa có đơn hàng.

Chẳng hạn, Quảng Nam giảm 47%; Hà Giang giảm 32%; Sóc Trăng giảm 31%; Vĩnh Long giảm 25,5%; Vĩnh Phúc giảm 19,6%; Tây Ninh giảm 16,7%; Tp.HCM giảm 15,6%; Đồng Nai giảm 14,4%...

Ngược lại, cũng có một số địa phương có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Tuyên Quang tăng 34,5%; Hậu Giang tăng 10,5%; Phú Yên tăng 8,9%; Kon Tum tăng 7,8%; Nghệ An tăng 7%...

Sản xuất công nghiệp gặp khó ngay từ đầu năm 2023 do thiếu đơn hàng - Ảnh 2.

Tốc độ tăng/giảm IIP tháng 01 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Tuy nhiên, mức tăng của các địa phương này không đủ bù đắp cho mức giảm của các địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn. Do vậy tính chung, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1/2023 vẫn giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tháng 1/2023 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khí hóa lỏng LPG giảm 33,3%; xe máy giảm 32,1%; ô tô giảm 31,7%; thép thanh, thép góc giảm 26,2%; đường kính giảm 25,7%; thép cán giảm 25,6%; ti vi giảm 24%; quần áo mặc thường giảm 23,4%; sơn hóa học giảm 14,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 13,6%; xi măng giảm 13,3%; thủy hải sản chế biến và sữa tươi cùng giảm 9,4%...

Về tình hình lao động, dự báo sử dụng lao động quý 1/2023 so với quý IV/2022 khả quan hơn với 82,4% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (12,5% tăng, 69,9% giữ nguyên), 17,6% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Về khối lượng sản xuất quý 1/2023 so với quý IV/2022, có 69,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (31,4% tăng, 38,5% giữ nguyên), 30,1% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.

LAN ANH