Phiên giao dịch ngày 8/4, một tờ giấy A4 không rõ nguồn gốc liệt kê 3 doanh nghiệp sẽ bị thanh tra gồm Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Kinh Bắc (mã KBC), Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (mã GEX – ghi sai tên công ty, công ty đã thực hiện đổi tên thành Tập đoàn GELEX từ tháng 6/2021) đã phát tán trên nhiều hội nhóm, diễn đàn và được nhiều nhà đầu tư chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Sau khi một vài tin đồn có căn cứ trở thành hiện thực, tâm lý lo sợ bao trùm...
Hoa Sen (HSG) là doanh nghiệp đầu tiên công bố bác bỏ tin đồn ngày 8/4/2022. Cụ thể, trong phiên giao dịch chiều ngày 8/4, trên các diễn đàn về chứng khoán, các nhóm mạng xã hội (zalo, viber, telegram,… ) đã lan truyền một trang giấy A4 không rõ nguồn gốc với nội dung thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu, thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán của một số doanh nghiệp ngoài nhà nước là công ty đại chúng niêm yết, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen.
Để làm rõ thông tin, Hoa Sen công bố, ngày 28/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quyết định số 2068/QĐ-BTC về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022. Do vậy, Thanh tra Bộ Tài chính đã đến thu thập tài liệu, số liệu tại tập đoàn từ 17-19/3 vừa qua. Đơn vị đã nộp đầy đủ tài liệu, số liệu theo yêu cầu vào ngày 19/3 và không nhận được thêm các văn bản yêu cầu bổ sung. Về hoạt động trái phiếu, tháng 4/2019, HĐQT Tập đoàn công bố chủ trương phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các yếu tố liên quan, tập đoàn đã không thực hiện việc phát hành trái phiếu này. Trong BCTC hợp nhất niên độ 2020-2021 được kiểm toán cũng hoàn toàn không có số dư phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, Hoa Sen cũng khẳng định là một doanh nghiệp niêm yết, hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước. Do vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra về kế toán, thuế, chứng khoán của các cơ quan quản lý là hoạt động bình thường, theo kế hoạch của cơ quan quản lý Nhà nước. Tập đoàn luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật trong hoạt động phát hành trái phiếu và pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán.
GEX cho biết, tuần qua, một số cá nhân đã lợi dụng sự việc một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt để đăng tải những thông tin thất thiệt, chưa kiểm chức cho rằng cơ quan chức năng sẽ khởi tố và xử lý những cá nhân, doanh nghiệp khác (chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản). Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp trong đó có cổ phiếu GEX cũng bị ảnh hưởng. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện trong đó yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến thị trường. Bộ Công an cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm những đối tượng tung tin thất thiệt ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan truyền những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.
Về phía Gelex, với tư cách là một công ty đại chúng quy mô lớn luôn tuân thủ thực hiện công bố thông tin đầy đủ, đúng quy định. Gelex kịch liệt phản đối những hành vi đưa tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng gây mất an ninh, an toàn thị trường. Công ty khẳng định mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra như thường lệ.
Các thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các mặt hoạt động khác của Gelex được thực hiện minh bạch và công bố trên website chính thức của công ty. Công ty mong muốn và đề nghị quý cổ đông và các nhà đầu tư thận trọng và sáng suốt trước những tin đồn thất thiệt; cập nhập những tin tức về doanh nghiệp trên các kênh thông tin chính thống để có những đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về hoạt động của doanh nghiệp.
Hoa Sen và Gelex chỉ là 2 trong số ít doanh nghiệp đã và đang trấn an nhà đầu tư nhanh chóng, kỳ vọng với các doanh nghiệp niêm yết dính tin đồn sẽ sớm trấn an nhà đầu tư, cũng như Chính phủ thực hiện xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức tung tin đồn để gây hoang mang, ép giá cổ phiếu bị xử lý, khi đó tâm lý ổn định sẽ quay trở lại và nhà đầu tư sẽ không còn tác động tiêu cực như hiện tại. Khi tâm lý ổn, không hoảng loạn, việc giá cổ phiếu hồi phục và bật tăng trở lại kỳ vọng sẽ diễn ra sau đó.
Đây không phải là lần đầu tiên tin đồn không có căn cứ xuất hiện. Trước đó, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, hàng loạt tin đồn không có căn cứ về việc thanh tra 12 doanh nghiệp bất động sản cũng được cắt ghép và tung ra.
Tuy nhiên, khi kiểm chứng thông tin, thông tin này được chính thức đăng tháng 1/2017 và là hoạt động thanh tra bình thường hàng năm. Sau đó, kết luận thanh tra không có vấn đề gì nghiêm trọng.
Thực tế, khi thị trường hưng phấn, tăng điểm, nhà đầu tư có xu hướng phớt lờ đi các thông tin xấu, tin tiêu cực và không quan tâm tới thông tin. Trong thị trường tăng mạnh, thông tin xấu chỉ phản ứng 1, 2 phiên hoặc thậm chí không phản ứng. Tuy nhiên, khi thị trường giảm điểm, nhà đầu tư có xu hướng đi tìm lý do để giải thích cho đà giảm nêu trên, điều này tiếp tục tạo môi trường tốt cho các tin sai, tin không kiểm chứng được tung ra và tạo hiệu ứng domino, khi cổ phiếu giảm do tin sai, nhà đầu tư tin vào tin đó bán ra, cổ phiếu tiếp tục giảm, nhà đầu tư khác thấy cổ phiếu giảm suy đoán tin đó có thể trở thành sự thật và tiếp tục bán thêm cổ phiếu.
Đây là một vòng lặp liên tục diễn ra trong nhiều năm, nhiều chu kỳ sóng và đặc biệt hữu hiệu khi mà các cá nhân, tổ chức sử dụng để tạo sự hoang mang và tăng sự lo sợ trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, theo Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), nhà đầu tư cá nhân trong nước đang chiếm 88% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường khi mua ròng trong tháng 3/2022 và còn lại là tổ chức trong nước và khối ngoại. Việc có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân giao dịch cũng dễ dẫn tới hiện tượng tâm lý, phản ứng theo đám đông và có thể dẫn tới sự hoảng loạn trong 1 tuần trở lại đây.
Ngay khi thông tin này được tung ra, hàng loạt cổ phiếu liên quan đều nằm sàn trong phiên 8/4 như HSG giảm sàn 6,94% về 32.850 đồng/cp, cổ phiếu KBC giảm sàn 6,91% về 48.500 đồng/cp, cổ phiếu GEX giảm sàn 6,97% về 34.050 đồng/cp.
Bước sang phiên giao dịch tiếp theo ngày 12/4, tâm lý hoài nghi, thuyết âm mưu (conspiracy theories) tiếp tục được truyền nhau với lý tại sao cổ phiếu giảm, cổ phiếu giảm chắc phải có tin gì xấu, cổ phiếu giảm chứng tỏ tin đồn là sự thật…
Điều này cũng đã tác động và tạo sự lây lan dây chuyền, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4, đặc biệt từ 2h chiều, áp lực bán ra tăng, hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 1,8%, tương ứng giảm 26,75 điểm về 1.455,25 điểm. Trong đó, đáng chú ý có tới 409 mã đỏ (64 mã nằm sàn), 67 mã xanh và chỉ có 27 mã tham chiếu. Như vậy, nhóm cổ phiếu giảm điểm chiếm tới 81,3% tổng số cổ phiếu giao dịch trên HOSE.
Tổng Hợp