Sau Tết, dòng tiền thông minh sẽ "xoay kèo"

Sau tuần nghỉ Tết, thị trường sẽ giao dịch trở lại vào thứ 2 (7/2). Theo thống kê của SHS, thị trường chứng khoán Việt Nam sau Tết đã tăng điểm 5 lần trong 6 năm của giai đoạn 2016-2021 (chỉ giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19). 

Yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 chính là gói kích thích kinh tế. Ngay trong nửa đầu năm 2022, một số ngành dự báo có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn: xuất khẩu (thủy sản,dệt may, vận tải biển). Một số loại hàng hóa có thể đạt mức giá cao trong nửa đầu năm 2022 bao gồm phân bón, thủy sản, hóa chất và mía đường. Ngành hưởng lợi từ đầu tư công: Xây dựng, BĐS dân cư và BĐS Khu công nghiệp. Ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp: Chứng khoán và BĐS dân cư.

Giới phân tích cho rằng, năm Nhâm Dần 2022 không còn quá dễ dàng "ăn" đối với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cơ hội trên thị trường vẫn còn. Với diễn biến bất ngờ, khó lường trong tháng 1 vừa qua, sau Tết, dòng tiền thông minh sẽ "xoay kèo" đổ vào nhóm ngành nào? Kết thúc tháng 1, khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm cũ Tân Sửu, VN-Index giảm 19,32 điểm (1,29%) trong tháng, xuống mức 1.478,96 điểm. Thanh khoản tháng giảm 15,8% so với tháng trước đó.

Dòng tiền vào cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 tăng trở lại, giữ vững vị trí dẫn đầu. Tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, dầu khí, giảm vào nhóm chứng khoán, xây dựng và vật liệu.

Không khó để nhận thấy, đà tăng trưởng thần tốc của thị trường chứng khoán trong năm 2021 ngoài yếu tố dòng tiền mới từ các F0, còn xuất phát từ kết quả kinh doanh tích cực của phần lớn doanh nghiệp niêm yết, khi lợi nhuận 2021 dự báo tăng trưởng trên 50%, trong đó đóng góp lớn nhất là các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, thép, phân đạm, dầu khí. Trên thực tế, khá nhiều ngành hưởng lợi từ đại dịch, ngoài ra, cũng có một số lĩnh vực phục hồi sớm hơn sau giai đoạn khó khăn nhất từ năm trước đó.

Việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6 - 6,5% năm 2022 cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong khôi phục lại hoạt động kinh tế với nhiệm vụ quan trọng vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa kiểm soát dịch hiệu quả.

Một trong những thành công lớn trong năm 2021 là đã giữ được CPI ở mức thấp, bởi vậy, việc tiếp tục kiểm soát được CPI trong năm 2022 là một thách thức lớn trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy chi phí logistics tăng chóng mặt.

Một trong những hạn chế của kinh tế Việt Nam là hạ tầng và công nghệ chưa đồng bộ, dẫn đến chi phí logistics kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trong năm 2020, thách thức kiểm soát chi phí logistics sẽ càng nặng nề hơn.

Nếu có thể kiểm soát CPI tốt, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, với việc tiếp tục duy trì một khung lãi suất ở mức thấp - một áp lực không nhỏ khi xu hướng lãi suất thế giới đang tăng trở lại. Dù vậy, lãi suất tiền đồng được dự báo chỉ tăng nhẹ khi kinh tế đang trên đà hồi phục và nhu cầu vốn trong nền kinh tế ngày một tăng.

Mặt khác, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch giai đoạn 2022 - 2023 được kỳ vọng tiếp tục đưa dòng vốn rẻ ưu đãi vào nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa - một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.

Đặc biệt, việc dòng vốn tín dụng đối với những lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp… được kiểm soát chặt chẽ hơn thời gian tới cũng giúp thị trường bất động sản cân bằng hơn, không tăng quá nóng như thời gian vừa qua.

Năm 2022, các công ty chứng khoán dự báo kịch bản lạc quan cho thị trường, VN-Index có thể đạt khoảng 1.700 – 1.900 điểm. Nhóm phân tích của CTCK VNDirect nhận định, có bốn chủ điểm đầu tư nổi bật trong năm 2022 .Thứ nhất, giá cả hàng hóa sẽ phân hóa trong năm 2022; trong đó nhóm dầu khí và hóa chất vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Thứ hai là câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho nhóm năng lượng, bất động sản và BĐS khu công nghiệp.

Thứ ba, nhiều công ty sẽ được hưởng lợi nhờ sự thăng hoa của kinh tế số sau đại dịch. Cuối cùng, cầu nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy các ngành bán lẻ, F&B và du lịch tăng trưởng mạnh nhanh hơn các ngành khác.

Đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Rủi ro chính đối với thị trường năm 2022 vẫn là lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách thắt chặt được triển khai. Mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá. Còn các chuyên gia của CTCK SSI cho rằng, năm Nhâm Dần 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng với thị trường chứng khoán. Dù vậy, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi cơ hội cùng với một chiến lược đầu tư cụ thể rõ ràng, các nhà đầu tư vẫn có thể gặt hái được thành quả trong năm 2022.

Tổng Hợp