Hai ngày gần đây, những hình ảnh một bé trai ở Quảng Vinh, Sầm Sơn, Thanh Hóa bị bạn cắn đến mức bầm tím, tổn thương khắp mông khiến cộng đồng mạng không khỏi xót xa. Càng phẫn nộ hơn khi mẹ bé trai chia sẻ cuộc nói chuyện với cô giáo đứng lớp.
Bé trai bị bạn cắn nhiều vết ở mông khi đi nhà trẻ (Ảnh từ mạng xã hội của nhân vật) |
Theo bài đăng trên mạng xã hội của mẹ bé trai, vì bận công việc nên phải gửi con sớm khi bé mới chỉ biết bò. Tối ngày 26/8, đi làm về thấy con quấy khóc thì chị kiểm tra và hoảng hốt khi thấy khắp mông con bầm tím và đầy vết răng.
Xem lại hình ảnh camera của nhà trẻ cho thấy bé bị một bé trai khác lớn hơn cắn rất nhiều vào mông trong buổi sáng cùng ngày. Con chị cố gắng gào khóc, bò đi để tránh xa nhưng bạn cùng lớp lớn hơn, đã biết đi liên tục đuổi theo và cắn liên tiếp vào mông bé. Cho đến khi có một bé trai khác can ngăn, đẩy ra mới chịu dừng lại. Hơn 10 phút sự việc diễn ra, các bé ở với nhau và không có cô hay người giữ trẻ nào chăm sóc.
Khi liên hệ với nhà trẻ, cô giáo cho biết ở ngay bên ngoài cửa, cách vài mét nhưng không hề nghe thấy tiếng bé trai gào khóc. Đến khi vệ sinh mông cho bé mới phát hiện, nhưng lại không báo ngay cho gia đình vì muốn chờ buổi tối để không ảnh hưởng công việc của người mẹ. Đến khi người mẹ tự phát hiện, trích xuất camera và nhắn cho các cô mới nhận được lời xin lỗi.
Tuy nhiên cũng không có phương án giải quyết nào và cho rằng trẻ con xô xát, cắn nhau là khó tránh. Lý do là ở nhà bé trái kia thường xuyên chơi đùa cùng bố, được bố “cắn yêu” vào mông. Mẹ của bé trai bị cắn phẫn nộ nói: “Trách con nít một nhưng trách người lớn đến mười”. Bởi vì ngoài sự vô tâm của cô, phụ huynh của bé trai lớn đã cắn con chị cũng không hề có một lời xin lỗi hay hỏi thăm bé. Cô giáo thì nói sẽ “mang về nuôi đến khi cái đít trắng đẹp chị mang trả cho em”.
Người mẹ không hài lòng với cách xử lý từ cô giáo của nhà trẻ (Ảnh từ mạng xã hội của nhân vật) |
Trẻ bị bạn cắn nguy hiểm như thế nào?
Người mẹ nói: “Ngày hôm nay là con mình nhưng ngày mai có thể sẽ đến con người khác”. Chị chia sẻ câu chuyện này với mong muốn các nhà trẻ chăm sóc, giám sát trẻ sát sao hơn, có trách nhiệm hơn khi xảy ra tình huống không mong muốn. Các bậc phụ huynh nên chú ý hơn khi chơi đùa, giáo dục con cái từ nhỏ.
Theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, chuyện trẻ em bị bạn cắn trong khi chơi đùa hoặc cãi nhau không hiếm. Nhưng đa số là cắn nhẹ, không rách da hay chảy máu hoặc tổn thương nghiêm trọng. Nhưng một khi trẻ bị cắn nhiều, vết cắn sâu, cắn đến mức rách da thì đã là câu chuyện khác. Do miệng của con người chứa đầy vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn rất nhiều so với vết cắn của côn trùng. Các vết cắn nghiêm trọng vào mặt, tay hoặc bộ phận sinh dục có thể đặc biệt nguy hiểm.
Khi bị bạn cắn, trẻ có thể bị lây nhiễm một số vi khuẩn gây hại như tụ cầu, liên cầu khuẩn, trực khuẩn uốn ván, khuẩn tụ cầu vàng… Thậm chí là lây nhiễm viêm gan, HIV cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác có thể phát sinh từ vết cắn.
Ngoài ra, các vết thương cắn sâu có thể gây tổn thương đáng kể cho cơ bắp và cấu trúc xương dưới da, hạn chế khả năng vận động, gây đau đớn và thậm chí di chứng kéo dài. Người bị cắn cũng có thể gặp phản ứng dị ứng đối với một số độc tố của các vi sinh vật, chất nội tiết hay mầm bệnh của người cắn. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan khi trẻ bị bạn cắn.
Xử trí thế nào khi trẻ bị bạn cắn?
Cũng theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, nếu vết cắn không gây rách da, chỉ ở mức độ nhẹ thì chúng ta có thể vệ sinh với xà phòng và nước sạch. Sau đó bôi thuốc mỡ và kháng sinh 2 lần mỗi ngày. Sẽ cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc vết cắn không lành trong 10 ngày.
Còn với vết cắn sâu, tổn thương nghiêm trọng, rách da thì tốt nhất nên rửa vết thương, băng bó nếu cần rồi nhanh chóng đưa trẻ tới các trung tâm y tế. Bởi vì ngoài xử lý vết thương đúng cách, trẻ có thể cần kiểm tra miễn dịch và tiêm chủng (ví dụ như phòng uốn ván), kê đơn kháng sinh.
Trẻ bị bạn cắn có thể bị nhiễm trùng cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác (Ảnh minh họa) |
Đây là những dấu hiệu nhiễm trùng cho thấy vết cắn của trẻ rất nghiêm trọng, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức:
- Tăng mức độ sưng, đỏ hoặc đau ở vết thương.
- Có chảy mủ.
- Sốt từ 37,7 độ C trở lên.
- Sưng đỏ nghiêm trọng hoặc cảm giác nóng lan ra từ vết cắn.
- Tuyến bạch huyết bị sưng.
- Trẻ run rẩy, quấy khóc nhiều, có thể bỏ ăn.
Cậu bé 13 tuổi nhiễm trùng phổi tái phát suốt 4 năm vì một chiếc vỏ "kẹt" bên trong
13 tuổi nhưng cậu bé chỉ nặng 36kg, ho, sốt, viêm phổi tái phát và đau ngực đã trở thành thói quen hàng ngày của cậu.