Chỉ ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thị trường "bùng nổ" như lò xo bị nén. Và "sốt đất" trở thành từ khoá chiếm sóng trên thị trường địa ốc.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển nên sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong năm tới nhưng rất khó xuất hiện tình trạng sốt đất.
Nhìn lại quá khứ năm 2021 nhiều cơn sốt đất nổi lên rồi vội đi nhanh, ông Lực cho biết nguyên nhân là do nhiều thông tin quy hoạch không được kiểm chứng, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá lên cao. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ cũng như các địa phương đã có kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát giá đất và có nhiều động thái để siết thị trường, từ đó các cơn sốt đất đã phần nào nằm trong tầm được kiểm soát.
Hơn nữa, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi "lướt sóng" thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn nên sẽ khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Vị chuyên gia nhận định, trong năm 2022, thị trường bất động sản có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng diễn ra không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.
Nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hồi khá nhanh, điều này kéo theo khả năng "bật lò xo" của thị trường bất động sản trong năm 2022. Một trong những yếu tố tác động tích cực tới thị trường bất động sản là môi trường pháp lý dần được hoàn thiện khi Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sửa Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, liên tiếp trong nhiều năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều động lực phát triển nhất khu vực châu Á. Bất động sản duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng tích cực trong năm tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.
Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, dự báo sẽ duy trì tăng trưởng hơn 6% trong những năm tới... Đây chính là lợi thế giúp bất động sản Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định và vượt qua lực cản của dịch bệnh.
Cơn sốt đất ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 không thể không nhắc tới là Bình Phước. Với thông tin dự án sân bay lưỡng dụng tại Hớn Quản xuất hiện, giá đất tại một số khu vực tăng gấp 3, thậm chí có thời điểm tăng hơn 5 lần. Các xã An Khương, An Phú, Đồng Nơ, Minh Tâm rộn ràng với thông tin giá đất nông nghiệp tăng mạnh.
Tại phía Bắc, "sốt đất" cũng nổ ra tại các tỉnh như vùng ven Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Cần Thơ… Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2022, ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, năm nay chủ yếu có vấn đề nổi cộm là gỡ vướng pháp lý cho các nhà đầu tư và hiện nay chưa thấy tín hiệu nào có thể gây "sốt đất".
Ông Nghĩa cho rằng, nếu xem xét kỹ bản chất của các đợt "sốt giá" đã xảy ra vào năm 2021 như đặc điểm của thị trường, nguồn cung hay sự thay đổi của điều kiện hạ tầng, thì các lý do để tạo nên sốt đất đã không còn xuất hiện trong năm 2022. Các kế hoạch phát triển hạ tầng hiện nay đã được công bố, do đó, năm nay rất khó có những điểm nóng để tạo đà "sốt đất". Năm 2022 sẽ là năm Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho thị trường bất động sản. Ngay cả tại TP.HCM cũng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu nên các chiến lược về giá của các chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động.
Tổng Hợp