Tại sao nhiều phụ nữ bị bạo hành gia đình vẫn nín nhịn, ít người dám dũng cảm ly hôn?

Và đây là cái bẫy phụ nữ cần ghi nhớ. Bạo lực chỉ xảy ra 1 lần và vô số lần.

Chị N. (Quốc Oai, Hà Nội) trải lòng với những vết bầm tím trên tay, mặt, chị kể những góc khuất trong cuộc hôn nhân của mình. Nhưng khi được hỏi chị có ly hôn người chồng, chấm dứt cuộc hôn nhân độc hại không thì chị lại ngập ngừng không dám quyết.

Bạo lực gia đình không chừa một ai, không thay đổi dù nó ở thời điểm nào, xã hội có hiện đại đến đâu. Ngay cả người nổi tiếng, những gương mặt được công chúng nhìn vào thì họ cũng vẫn bạo lực và bị bạo lực, sẵn sàng xuống tay không thương tiếc với luận điệu nhẹ hóa "tương tác" với vợ không chỉ là 1 lần. Vậy vì đâu mà phụ nữ chịu thiệt thòi như thế, vì đâu mà các bà vợ thường là đối tượng bị bạo hành gia đình nhưng rất ít người dứt khoát tìm cho mình 1 lối ra?

Lâm Minh khiến nhiều người thương cảm khi livestream trong tình trạng bị bạo hành
Lâm Minh khiến nhiều người thương cảm khi livestream trong tình trạng bị bạo hành

Vẫn là câu chuyện của chị N. Chị kể: "Có lần bố mẹ đẻ tôi cho cái quạt vì thấy nhà nóng quá lại không có điều hòa. Tôi phấn khởi mang về tối ngủ cắm luôn. Vừa nhìn thấy chồng tôi đã tra hỏi rồi bắt phải mang quạt trả cho ông bà vào lúc 10h đêm. Anh ta quát tháo, ném đồ đạc rồi ném cái quạt ra sân bắn cả vào người tôi. Tôi nói lý lẽ thì anh ta tát tôi bảo tôi láo, cãi chồng. Vậy là 10h đêm tôi phải lếch thếch mang cái quạt từ nhà mình đi xe máy 10km đến nhà bà ngoại để trả lại. Vừa đi đường vừa khóc mà cũng không dám kể với ai".

Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện bi đát của chị N. Và hiện tại chị vẫn sống với người chồng vũ phu ấy, đã được 9 năm có lẻ. Chị bảo chị không muốn bỏ chồng vì bình thường anh ta vẫn tử tế, chịu khó đi làm, đỡ đần con cái cho chị. Rằng mảnh đất chị ở là bố mẹ chồng cho, chị chỉ bỏ tiền ra xây dựng, giờ ly hôn là chị mất trắng. Chị còn rất nhiều lý do nữa mà chắc người từng trải qua thì đồng cảm, còn người tư duy hiện đại sẽ "từ chối hiểu".

Tại sao phụ nữ luôn là nạn nhân của bạo lực gia đình?

Trong hoàn cảnh bình thường, nếu 1 người khác bị đánh 1 lần thì họ sẽ không để bị đánh lần thứ 2, thứ 3 nhưng phụ nữ đã bị bạo hành thì chỉ có 1 lần và vô số lần. Tại sao những người phụ nữ này không chọn rời đi khi bị đánh lần đầu?

Thứ nhất, nhiều đàn ông có hành vi bạo lực sau khi sử dụng chất kích thích như rượu, bia. Tỉnh táo lại anh ta bắt đầu xin lỗi và hứa hẹn. Anh ta bù đắp bằng sự nhẹ nhàng và ân cần, nắm được "thóp" của vợ, bù đắp những vết thâm tím bằng quà cáp, lời ngon ngọt. Bản chất yếu mềm của phụ nữ dễ khiến cô ấy mềm lòng, nghĩ rằng đó chỉ là sự tức giận nhất thời, chồng mình sẽ sửa đổi và mình nên cho anh ấy cơ hội.

Thứ 2, có rất nhiều ông chồng luôn lấy con cái làm "bệ đỡ". Mà không có người mẹ nào bỏ được con. Một câu "Mẹ đừng bỏ bố nhé", "Bố mẹ bỏ nhau con ở với ai"… là phụ nữ sẽ mềm lòng ngay tức khắc. Mà đàn ông rất biết nắm điểm yếu này kiểm soát tâm lý phụ nữ.

Đoạn phim Sống chung với mẹ chồng bỗng hot trở lại sau vụ Lâm Minh
Đoạn phim Sống chung với mẹ chồng bỗng hot trở lại sau vụ Lâm Minh

Thứ 3, đàn ông biết chọn đồng minh và diễn tốt vai chồng mẫu mực. Chị M. (Hà Nội) từng cảm thấy uất ức khi liên tục bị chồng đánh đêm. Sáng hôm sau hỏi anh ta bảo anh ta mơ và điều này không một ai biết. Trong khi đó anh ta luôn diễn bộ mặt chàng rể tốt với bố mẹ vợ. Vậy nên có lần, chị M. mệt mỏi nói muốn ly hôn thì bố mẹ chị ngăn cấm triệt để, nói người làm vợ phải thế này thế kia. Phụ nữ thường được mẹ dạy phải biết chăm sóc, hy sinh cho gia đình từ bé nên mặc định họ sẽ dễ chịu đựng và thỏa hiệp hơn bình thường.

Thứ 4 là tâm lý đổ lỗi. Khi bị bạo hành nhiều lần, anh ta sẽ đổ lỗi cho vợ mình để dần dần cô ấy tin mình đáng bị như thế. Thậm chí, khi bị đánh phụ nữ sẽ ngồi nhìn lại xem mình đã sai ở chỗ nào, đáng bị đánh hay không. Việc bạo hành sẽ không phải lỗi của anh ta mà là "vì vợ xứng đáng".

Phụ nữ đừng để mình rơi vào trạng thái "học được sự bất lực"

Thuật ngữ "học được sự bất lực" được nghiên cứu bởi nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman. Ông đã làm 1 thí nghiệm và phát hiện ra, 1 cá thể bị bạo lực lần đầu sẽ chạy loạn xạ kêu la sợ hãi nhưng khi bị nhiều lần, họ chỉ có thể nằm dưới đất và run rẩy. Khi biết mình không thể trốn, mọi thứ còn lại chỉ là tuyệt vọng và bất lực. Đây là sự bất lực "học được" qua thời gian bị đày đọa. Và đương nhiên, sau khi có được "khả năng" đó, họ không có nhu cầu bỏ trốn nữa.

2 lý do phổ biến: 1 là họ tin mình sẽ khá hơn, 2 là họ không tin vào khả năng tự chủ sau khi thoát ra.

Rất nhiều phụ nữ phụ thuộc kinh tế vào chồng nên chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc có thể sống mà rời xa anh ta. Đáng sợ nhất là kiểu đàn ông bên ngoài lịch lãm nhưng tối về chốt cửa phòng hành hạ vợ bằng bạo lực lời nói, bạo lực hành động, bạo lực tình dục và thậm chí là bạo lực kinh tế và các mối quan hệ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vòng luẩn quẩn này sẽ lặp lại: Đánh đập và ngược đãi thể xác, cô lập và cản trở sự tương tác xã hội của đối phương, lạm dụng tài chính, nhục mạ và ngược đãi tinh thần, đe dọa làm hại người hoặc vật mà đối phương coi trọng.

Sau khi bạo hành, anh ta chuyển sang sám hối, xin lỗi xoa dịu, hứa hẹn thay đổi trong tương lai. Và đây là cái bẫy phụ nữ cần ghi nhớ. Bạo lực chỉ xảy ra 1 lần và vô số lần. Khi bạn chịu đựng 1 lần, những lần sau càng tồi tệ hơn.

Cuối cùng, số lần bị đánh đập ngày càng thường xuyên, độ sám hối họ ban cho bạn ngày càng ít đi cho đến khi không còn gì, để rồi bạn hoàn toàn rơi vào trạng thái bất lực đã học được.

Bạo lực gia đình không thể dung thứ ngay lần đầu tiên. Phụ nữ cần học cách tự bảo vệ mình, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân cộng đồng và tìm cách thoát ra càng sớm càng tốt.

VV

Phẫn nộ cảnh giáo viên mầm non bạo hành bé trai ở Trung Quốc: Chi tiết đứa trẻ chắp tay van nài khiến ai nhìn cũng đau đớn

Phẫn nộ cảnh giáo viên mầm non bạo hành bé trai ở Trung Quốc: Chi tiết đứa trẻ chắp tay van nài khiến ai nhìn cũng đau đớn

Nếu là phụ huynh của bé trai này, liệu bạn có thể chịu đựng được khi chứng kiến cảnh con bị bạo hành tàn nhẫn như vậy?