Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 657 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước trong đó lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh bảo hiểm lỗ 111,4 tỷ đồng trong quý 1, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 346,7 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí tăng mạnh 94,4% lên 630 tỷ đồng nhưng doanh thu tại mảng này tăng gần 40% lên gần 3.124 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính vẫn tăng 23% lên 2.494 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh tài chính, quý 1/2023, Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động tài chính hơn 2,494 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, nhờ mức tăng mạnh của các khoản lãi như lãi tiền gửi (tăng 67%), lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu (tăng 15%), thu nhập từ tạm ứng giá trị hoàn lại (tăng 30%), cổ tức được chia (tăng 91%) và lãi chênh lệch tỷ giá (tăng 88%)...
Công ty cũng ghi nhận phần lợi nhuận trong công ty liên kết, đơn vị kinh doanh đồng kiểm soát tăng tới 2,6 lần cùng kỳ, lên 21 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt 596 tỷ đồng và 1.163 tỷ đồng.
Nhờ mức tăng mạnh của hai khoản lợi nhuận kể trên, dù chịu lỗ gộp hơn 100 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bảo Việt vẫn ghi nhận mức lãi 657 tỷ đồng trước thuế và 546 tỷ đồng sau thuế, tăng lần lượt 3% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Bảo Việt đạt hơn 220.461 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, công ty có gần 2.648 tỷ đồng khoản tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 20%.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của tập đoàn tăng 14,4% lên 117.145 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 3,2% lên 84.238 tỷ đồng trong đó các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn chiếm tỷ trọng chính với gần 194.800 tỷ đồng (ngắn hạn chiếm 114.430 tỷ đồng) bao gồm tiền gửi (khoảng 126.000 tỷ đồng), trái phiếu (65.500 tỷ đồng) và tạm ứng từ giá trị hoàn lại.
Nợ phải trả của Bảo Việt vào thời điểm cuối kỳ tăng tới 10% lên 198.654 tỷ đồng. Trong đó phần lớn (chiếm 76,7%) là khoản dự phòng nghiệp vụ dài hạn, đạt gần 152.430 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, Bảo Việt cũng ghi nhận hơn 1.738 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, tăng 75%, và giảm được 40% khoản nợ vay dài hạn, còn hơn 54 tỷ đồng.
Tập đoàn hiện nắm giữ gần 3.000 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh gồm cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết, chứng chỉ quỹ, trái phiếu,...
Danh mục cổ phiếu niêm yết của Tập đoàn Bảo Việt gồm các mã như VNM (giá gốc 418 tỷ đồng); CTG (390 tỷ đồng); VNR (giá gốc 266 tỷ đồng) và các cổ phiếu niêm yết khác (1.343 tỷ đồng) có mức giảm giá nhẹ khoảng 7% trong quý 1.
Các cổ phiếu chưa niêm yết nắm giữ như Tổng Công ty MBLand, Thủy sản Cà Mau,... chiếm tỷ trọng nhỏ chưa đầy 79 tỷ đồng (giá gốc), sau khi trích lập dự phòng giá trị ghi sổ của nhóm này còn chưa đầy một nửa 37 tỷ đồng.
Tập đoàn nắm giữ lượng trái phiếu thấp với hơn 162 tỷ đồng trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là trái phiếu của VietinBank (50 tỷ đồng).
Tập đoàn này hiện đang đầu tư tổng cộng 2.335 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết, trong đó tính đến 31/3/2023, khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất là BaoViet Bank với 1.848 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Bảo Việt cũng đầu tư 431 tỷ đồng vào CTCP Trung Nam Phú Quốc và 262,6 tỷ đồng vào Tokio Marine Việt Nam.
Ngoài các công ty liên doanh liên kết, tập đoàn Bảo Việt cũng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác với giá gốc tổng cộng là 1.163,6 tỷ đồng bao gồm các công ty như CTCP Tập đoàn SSG (225 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (144 tỷ đồng), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (125 tỷ đồng),…
(Tổng hợp)