Là dân kiến trúc, Thảo hiểu rất rõ khi muốn xây nhà, người ta thường mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm được một “thợ vẽ” ưng ý. Thậm chí, nếu tìm cũng chưa chắc kiến trúc sư có gu kiến trúc phù hợp hay mức phí vừa túi tiền với chủ nhà,… “Có những kiến trúc sư họ chỉ chuyên thiết kế biệt thự và không thích nhà phố và ngược lại, khó thể nào bắt họ vẽ ra một ngôi nhà mà mình không có sở trường hoặc thích thú”, Thảo lấy ví dụ.
Nhớ lại những lần đăng tải công trình do chính mình thiết kế hay nhà đẹp của đồng nghiệp, Thảo Trần nhận được rất nhiều bình luận từ mọi người. Có người vào hỏi vật liệu hay nội thất này mua ở đâu, giá bao nhiêu, người lại thắc mắc chất liệu kia thế nào, sử dụng có tốt không,…
“Mỗi lần như vậy, tôi nghĩ nếu mình có một ứng dụng có thể giải đáp tất cả những điều này và kết nối được người tiêu dùng với cộng đồng kiến trúc sư thì quá tốt”, Thảo chia sẻ.
Thảo Trần, Co-founder ứng dụng REIN. |
Rồi cơ duyên ấy cũng đến. Một ngày nọ, Thảo gặp một người bạn học cũ chuyên viết ứng dụng. Cô nàng 9x này chia sẻ ý tưởng và nhận ngay cái “gật đầu” giúp đỡ. Sau hơn 1 năm mày mò, đội ngũ của Thảo Trần cho ra đời ứng dụng mang tên REIN, dành riêng cho những người có đam mê với nghệ thuật thiết kế và kiến trúc.
Khó khăn là điều khó tránh khi bắt tay xây dựng REIN, nhưng thách thức lớn nhất đối với cô nàng này là chưa từng làm công nghệ. “Với vai trò mới này, tôi và các cộng sự mất khá nhiều thời gian ở việc thiết kế và lên ý tưởng cho diện mạo ứng dụng. Thứ tôi luôn đau đáu là làm sao để mang đến sự tiện dụng và giao diện thân thiện nhất cho người dùng”, Thảo kể lại.
Giao diện ứng dụng. |
Định vị REIN là một sân chơi kết nối giữa người dùng và kiến trúc sư, Thảo Trần xác định ngay từ đầu đây sẽ là ứng dụng hoàn toàn miễn phí. Cô chia sẻ: “Nhiều bạn bè cũng hay đặt vấn đề cho tôi về việc chạy quảng cáo hay thu phí sử dụng, nhưng tôi đều từ chối. Tôi tâm niệm rằng, bản thân ứng dụng của mình phải tốt cái đã, phải hoàn hảo và thân thiện với người dùng. Đó mới là thứ đầu tiên mà REIN cần phải tìm cách thực hiện, chưa phải tìm cách kiếm tiền từ đâu!”.
Với ứng dụng này, cộng đồng kiến trúc sư có thể đăng nhập vào và xây dựng thương hiệu của mình trên đó. Mỗi người tự “chào hàng” với chủ nhà về học vấn, kinh nghiệm, đặc biệt là những sản phẩm và công trình đã thực hiện.
Theo Thảo Trần, ứng dụng này giống như Facebook hay Instagram của dân kiến trúc. Kiến trúc sư có thể xây dựng hình ảnh của mình để tiếp cận người dùng. Còn khách hàng có thể nhắn tin trực tiếp với kiến trúc sư để được tư vấn lên ý tưởng thiết kế cho ngôi nhà của mình.
“Những kiến trúc sư nào tốt, chất lượng thì sẽ có lượng truy cao và đánh giá sao của người dùng. Kiến trúc sư nào nhận được nhiều lượng truy cập và nhiều người tiêu dùng đánh giá, sẽ tự động hiện lên top đầu của ứng dụng. Với cách này, chất lượng kiến trúc sư sẽ do chính người dùng quyết định”, chủ của REIN nói thêm.
Tính năng ứng dụng REIN. |
Đối với người dùng, REIN cũng là một cộng đồng mở cho tất cả mọi người. Họ có thể vào ứng dụng để đăng tải những hình ảnh, bản thiết kế nhà hay nội thất của mình. Trong đó, người đăng có thể “đánh dấu” những sản phẩm của mình mua ở đâu, giá thế nào. Từ đó, những người xem có được kiến thức và thông tin cần thiết.
Người dùng có thể lướt ứng dụng để tìm kiếm ý tưởng, sản phẩm cho ngôi nhà của mình. Ngay khi gặp được chiếc bàn, viên gạch hay bất kỳ đồ nội thất nào ưng ý, người dùng chỉ cần click vào chúng, ứng dụng REIN sẽ hiện rõ giá cả, nơi mua mà người đăng đã chia sẻ.
Ngoài ra, REIN còn có nhiều tính năng như tư vấn phong thủy. Người dùng chỉ cần chụp hình ngôi nhà của mình đưa lên ứng dụng, REIN sẽ tự động tư vấn, đánh giá phong thủy của bạn dựa trên dữ liệu mà người dùng cung cấp.
Thảo Trần cho biết, ở những giai đoạn tiếp theo sẽ đưa tính năng AR (thực tế ảo) vào phục vụ người dùng. Lúc bấy giờ, người dùng chỉ cần đưa camera quét quanh ngôi nhà thực tế của mình, sau đó kéo thả những mẫu nội thất có trong kho dữ liệu REIN để tự ướm xem có phù hợp với kiến trúc ngôi nhà hay không trước khi đặt mua nội thất.
“Giới trẻ ngày nay làm điều gì cũng dùng ứng dụng trên điện thoại, ngay cả việc đi chợ cũng có ứng dụng đi chợ hộ, thì tương lai việc mua nội thất hay thiết kế nhà cửa bằng điện thoại sẽ là xu hướng. Chưa kể với ứng dụng REIN, người dùng cũng có thể liên kết với nhiều khách hàng khác để mua nội thất chung và hưởng giá ưu đãi theo số lượng sỉ”, Thảo Trần chia sẻ.
Cô nàng 9x này kỳ vọng, ứng dụng sẽ là sân chơi thú vị cho kiến trúc sư nói riêng và những người yêu kiến trúc nói chung. Qua đó, REIN còn tạo việc làm cho những sinh viên kiến trúc mới ra trường. Về điều này, Thảo tâm sự: “Các bạn trẻ ngày nay rất giỏi nhưng lại không kết nối được với người dùng. Đó là điều làm tôi trăn trở suốt. Chỉ mong REIN sẽ tiếp sức cho họ với đam mê nghề nghiệp ngay từ những bước đầu”.
“Kinh doanh đừng chỉ nghĩ đến lợi nhuận, mà phải nghĩ đến khách hàng. Có khách hàng, lợi nhuận tự động đến”, đó là phương châm kinh doanh của Thảo Trần. Cô nàng ở độ tuổi 9x nhưng lại được biết đến với nhiều mô hình kinh doanh thành công.
Thảo sinh ra và lớn lên ở miền đất cao nguyên đầy nắng và gió, tâm hồn, tính cách cởi mở, mạnh mẽ và phóng khoáng như núi rừng. Thảo mê kiến trúc, mê bốn chiều không gian và logic, thích tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư vào những công trình sáng tạo và độc đáo, ít ai dám thử nghiệm.
Thảo Trần học hành chuyên tâm để trở thành kiến trúc sư, nuôi hy vọng biến những ý tưởng và đam mê của mình trở thành hiện thực. Thế nhưng sau một vài dự án cho công ty chủ quản và đối tác, sau một vài hành trình đem “chất xám” quý giá bán cho “người dưng”, Thảo nhận ra mình không thể tự do vẫy vùng đến cùng trong bể ý tưởng và sáng tạo lúc nào cũng ắp đầy của mình.
Thảo quyết định mình phải tự làm chủ, tự mình tạo ra những công trình mới lạ, quyết không đi theo lối mòn giẫm chân người khác. Những khuôn mẫu cũ kỹ truyền thống, Thảo mạnh dạn gạt bỏ, bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu hành trình kiến tạo để thỏa mãn đam mê!
Năm 23 tuổi, khi mới chập chững rời giảng đường, Thảo cùng các cộng sự thành lập “khối kiến trúc” cà phê băng đầu tiên tại Việt Nam mang tên ICE COFFEE. Đúng như tên gọi, mô hình cà phê băng của Thảo trở thành một điểm nhấn mới lạ, độc đáo, khác hẳn những cửa tiệm cà phê truyền thống giữa con phố Bùi Viện.
Thảo mang hơi thở châu Âu, mang hương vị lạnh giá, băng tuyết không thể tìm thấy ở xứ sở nhiệt đới như Việt Nam, đặt vào những góc quán cà phê nho nhỏ trắng xóa với tường băng, bàn băng, ghế băng… của mình.
Cảm giác run cầm cập, thở ra khói, cuộn mình co ro trong chiếc áo lông thú và cái nắm tay xuýt xoa trong cơn lạnh -10 độ C mơn man khắp da thịt chính là những trải nghiệm “độc nhất vô nhị”, khó quên mà Thảo muốn khách hàng đến với ngôi nhà băng của mình phải ấn tượng và nhớ mãi.
Tiếp nối thành công, năm 26 tuổi, Thảo Trần trở thành chủ đầu tư và là giám đốc điều hành của một doanh nghiệp mới dưới hình thức một nhà hàng tổ chức tiệc có phong cách ngoài trời mới lạ, Maison de Charme.
Khác với những công trình nhà hàng tiệc truyền thống thường được xây dựng và gò bó trong 4 bức tường chật hẹp. Nhà hàng Maison de Charme thu hút khách hàng bởi sự mới lạ, ấn tượng và phá cách, hiếm có khó tìm giữa lòng Sài Gòn với phong cách Rustic đương đại nổi bật trong thiết kế hình khối tam giác, không gian sân vườn, hồ bơi, sân thượng,…
Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, Maison de Charme đã khẳng định tên tuổi và trở thành lựa chọn yêu thích hàng đầu của nhiều đôi uyên ương, khách hàng cũng như công ty, hội nhóm với những bữa tiệc ngoài trời lung linh, rực rỡ quy mô lớn, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng dù phải trải qua nhiều đợt dịch COVID-19 đình trệ khó khăn trong năm 2020. Sắp tới, chi nhánh thứ 2 của nhà hàng Maison de Charme dự kiến ra đời với quy mô lớn hơn.
Chia sẻ rõ hơn về quan điểm, kinh doanh đừng bao giờ nghĩ tới lợi nhuận thì sẽ thành công, Thảo Trần cho rằng điều mà mọi doanh nhân nêu chú tâm là khách hàng. “Bản thân mình phải làm tốt công việc của mình thì lúc đó mới dám nghĩ đến chuyện lợi nhuận. Nếu kinh doanh mà suốt ngày nghĩ đến lợi nhuận, mai tăng giá này, mốt tăng giá nọ mà chất lượng lại kém thì sẽ không bao giờ thành công”, cô nàng nhắn nhủ.