“Thế giới khác”: Cần lan tỏa tri thức tâm linh đúng đắn đến cộng đồng

LÊ QUANG VINH

Bộ sách “Thế giới khác” là tập hợp những câu chuyện cảm động về hành trình tìm mộ liệt sĩ và cùng đó là việc khám phá thế giới tâm linh.

Tác giả Nguyễn Ngọc Hoài là cái tên không còn xa lạ với những ai quan tâm đến lĩnh vực tâm linh. Năm 2012, chị đã cho ra mắt cuốn sách đầu tay của mình, “Một thế giới khác”, mở ra cánh cửa dẫn dắt độc giả bước vào một thế giới khác - nơi mà những quy luật vật lý thông thường không còn tồn tại, nơi mà con người có thể giao tiếp với những vong linh, nơi mà những điều tưởng chừng không thể trở thành hiện thực lại đã xảy ra.

Sau 10 năm, thế giới đã có những biến chuyển mới, xã hội cũng xảy ra nhiều vấn đề nổi cộm liên quan tới tâm linh, ngoại cảm. Nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc lan tỏa tri thức tâm linh đúng đắn đến cộng đồng, tác giả Nguyễn Ngọc Hoài đã quyết định chỉnh sửa và chọn đồng hành cùng Thái Hà Books và NXB Thế giới để tái bản tác phẩm tâm huyết đó với tiêu đề mới: “Thế giới khác”, gồm 2 cuốn: “Hành trình khám phá thế giới tâm linh”“Tìm nhau từ hai cõi âm - dương”. 

Bộ sách “Thế giới khác” vừa ra mắt bạn đọc, gồm 2 cuốn: “Hành trình khám phá thế giới tâm linh” và “Tìm nhau từ hai cõi âm - dương”. Ảnh: L.Q.V
Bộ sách “Thế giới khác” vừa ra mắt bạn đọc, gồm 2 cuốn: “Hành trình khám phá thế giới tâm linh” và “Tìm nhau từ hai cõi âm - dương”. Ảnh: L.Q.V

Bộ sách này là tập hợp những câu chuyện cảm động về hành trình đi tìm mộ liệt sĩ và qua đó, tác giả đã thể hiện quan điểm sâu sắc của mình về thế giới tâm linh và thế giới con người, về tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự hy sinh cao cả. Có thể thấy, qua mỗi câu chuyện trong bộ sách “Thế giới khác” là một hành trình đầy gian nan, thử thách, đan xen những cung bậc cảm xúc vui - buồn - hy vọng và cả sự tuyệt vọng. Nhưng, trên tất cả, những câu chuyện kỳ diệu ấy đều mang đến cho người đọc thông điệp về lòng nhân ái, về sức mạnh của tình yêu thương và về giá trị của sự sống.

Bộ sách “Thế giới khácchính là một phần minh chứng cho sự tồn tại của một thế giới tâm linh hiện diện qua từng con chữ. Thế giới ấy không phải là sự huyễn hoặc của tâm tưởng và niềm tin một chiều của con người, hay qua sự thêu dệt của dân gian, hay chỉ là lớp áo dày và trang trọng khoác bên ngoài các lễ nghi, tập tục như một văn hóa lâu đời của con người, bất chấp niềm tin và tư tưởng ngược chiều của con người vào vô thần và hữu thần.

Nhà ngoại cảm/tác giả Nguyễn Ngọc Hoài. Ảnh: L.Q.V
Nhà ngoại cảm/tác giả Nguyễn Ngọc Hoài. Ảnh: L.Q.V

Tác giả Nguyễn Ngọc Hoài chính là người ghi chép lại những hiểu biết về thế giới giới tâm linh đã và đang phủ bóng lên đời mình, trung thực lưu lại kiến thức và trải nghiệm trong gần một phần tư thế kỷ sở hữu năng lực tâm linh, thực hành công việc tiếp xúc với vong hồn và tìm mộ liệt sĩ trong vai trò nhà ngoại cảm công tác trong các cơ quan nghiên cứu về tiềm năng con người của Việt Nam.

Trong cuốn 1 “Thế giới khác: Hành trình khám phá thế giới tâm linh”, phần lớn nội dung được dành cho những câu chuyện có thật về hành trình đi tìm mộ qua con đường ngoại cảm, được viết bởi những người trong cuộc, thân nhân liệt sĩ và nhà ngoại cảm, bao gồm:

- Đi tìm 27 liệt sĩ ở Hàm Thuận Bắc (kể về hành trình tìm liệt sĩ Lê Hồng Phong và đồng đội).

- Tìm liệt sĩ ở Đồng Nai (kể về hành trình tìm mộ liệt sĩ Bùi Văn Học).

- Đi Trường Sơn tìm chú (kể về hành trình tìm mộ liệt sĩ Trương Triệu Quý).

- Đi tìm liệt sĩ Lê Văn Kỳ (kể về hành trình tìm mộ liệt sĩ Lê Văn Kỳ).

- Đây mới đúng là phần mộ liệt sĩ Mai Công Nhiên (kể về hành trình tìm mộ liệt sĩ Mai Công Nhiên).

- Lên Tây Bắc tìm mẹ (kể về hành trình anh Phạm Văn Khuynh tìm mộ mẹ ở Điện Biên). 

- Nỗi lòng người con gái của liệt sĩ (tâm sự của con gái liệt sĩ Trần Khắc Cảnh).

- Đi tìm nhau để mãi mãi không về (kể về hành trình tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ).

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).

Còn trong cuốn 2 “Thế giới khác: Tìm nhau từ hai cõi âm - dương” có 3 câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ có thật, được viết dưới lăng kính của nhà ngoại cảm, gồm:

- Tìm anh giữa miền Đông Nam Bộ (kể về hành trình 3 chị em gái đi tìm mộ anh là liệt sĩ Lê Xuân Hạc ở miền Nam Việt Nam).

- Tìm cha trên đất Triệu Voi (kể về hành trình con đi tìm cha là liệt sĩ Lương Xuân Tách ở đất nước Lào).

- Trái tim người chiến sĩ Tây Nam (kể về hành trình chiến đấu của 3 chiến sĩ Lê Thái Thọ, Nguyễn Phú Long và Quang Minh trong chiến tranh biên giới Tây Nam và hành trình anh thương binh Lê Thái Thọ đi tìm mộ đồng đội là liệt sĩ Quang Minh ở đất nước Campuchia).

Những câu chuyện nói trên đều được viết chân thật, có cảm xúc và giàu chất văn học; thể hiện tư tưởng nhân văn và lý lẽ khoa học, rõ ràng của tác giả. Mặc dù viết về đề tài ngoại cảm, tâm linh, nhưng cuốn sách truyền tải những kiến thức khoa học và thông điệp nhân văn.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Nhà ngoại cảm/tác giả Nguyễn Ngọc Hoài giãi bày: “Trải nghiệm công việc tâm linh không giống như bất cứ công việc nào. Mỗi gia đình tìm mộ người thân đều có câu chuyện khác nhau, trải dài từ quá khứ đến hiện tại. Khả năng ngoại cảm gắn liền và tồn tại trong một con người không phải một cỗ máy vận hành máy móc về các công việc như tiên tri, gọi hồn, áp vong, tìm mộ…

Tôi là trung gian chắp nối những đoạn đứt quãng trong câu chuyện dài xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại cuộc đời của họ. Thực chất nhà ngoại cảm là cầu nối âm - dương, thông qua nhà ngoại cảm, người sống và người chết được giao thoa gặp gỡ, chia sẻ, thể hiện tình cảm và thấu hiểu lẫn nhau. Người âm và người trần cùng gỡ mối khúc mắc để mang lại bài học nhân văn, ý nghĩa tích cực cho đời sống con người. Tôi hiểu dần ra lý lẽ của tình nghĩa, đạo lý làm người cả hai cõi. Đấy mới thực là ý nghĩa đích thực của đời sống tâm linh tồn tại xuyên suốt trong tâm thức con người”.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài sinh năm 1965 tại Điện Biên Phủ, từng công tác ở các cơ quan: Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người; Liên hiệp Khoa học UIA; Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Trung tâm Nghiên cứu văn hóa tâm linh (thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa phương Đông).

Tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều ngôi mộ chưa thể xác định được danh tính liệt sĩ.
Tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều ngôi mộ chưa thể xác định được danh tính liệt sĩ.

Tác giả bộ sách “Thế giới khác” chia sẻ: “Tôi nghĩ người có khả năng ngoại cảm và người nghiên cứu khoa học ngoại cảm phải dấn thân vì mục tiêu khám phá sự thật và đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại. Hơn 20 năm trải nghiệm tâm linh giúp tôi hiểu được rằng, thế giới tâm linh đang đồng hành cùng chúng ta thông qua sức mạnh của tình yêu thương. Nhận thức về một thế giới tiếp tục sau cái chết sẽ khiến con người sống tốt đẹp, mạnh mẽ và chuẩn mực hơn…”.

Thực tế trong cuộc sống ngày nay cho thấy một điều, như quan điểm của GS.TS Phạm Đức Dương: “Vấn đề tâm linh rất nhạy cảm, ranh giới giữa chánh tín và mê tín là rất mỏng manh. Có thể tin hoặc không tin là quyền của mỗi người, nhưng việc nghiên cứu là cần thiết và rất cấp bách”.

Còn theo nhận xét của nhà báo Lê Quốc Vinh: “Chị Nguyễn Ngọc Hoài là một nhà ngoại cảm không gieo rắc mê tín dị đoan. Thậm chí, chị còn tham gia bài trừ những hủ tục mà con người ta sinh ra trong quá trình u mê, lầm lạc, thiếu hiểu biết về thế giới tâm linh. Với chị, thế giới tâm linh tồn tại như một dạng năng lượng song song với thế giới thực. “Thế giới khác” đã giúp chúng ta hiểu hơn về sự tồn tại của nó, về sự tồn tại của con người sau cái chết, về những cảm xúc vẹn nguyên về gia đình, bạn bè mà những người thân của chúng ta vẫn mang theo sang thế giới bên kia.

Bộ sách “Thế giới khác” cũng khiến chúng ta hiểu hơn, một cách chân thực, về năng lực của các nhà ngoại cảm, những điều không thể và có thể. Nó loại trừ những hiện tượng huyễn hoặc, thần thánh hóa, hoặc hoang tưởng về năng lực siêu nhiên…”.