Thêm 2.861 ca mắc COVID-19 sáng 28/7, riêng TP.HCM có 2.115 ca

Sáng 28/7, Bộ Y tế cho biết có 2.861 ca mắc mới COVID-19 với 3 ca nhập cảnh và 2.858 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 403 ca trong cộng đồng.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh 2.115 ca, Đồng Nai 134, Tây Ninh 120, Đồng Tháp 91, Khánh Hoà 86, Hà Nội 69, Bà Rịa - Vũng Tàu 56, Trà Vinh 38, Bến Tre 32, Phú Yên 30, Tiền Giang 30, An Giang 24, Đắk Lắk 13, Sóc Trăng 12, Cần Thơ 5, Bình Định 2, Hải Dương 1, trong đó có 403 ca trong cộng đồng.

ca-moi-sang-28.jpg

Tính đến sáng ngày 28/7, Việt Nam có tổng cộng 117.121 mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

27072021-covid-19-tiem-vaccine-1.jpg
Lực lượng y tế TP Hồ Chí Minh khám sàn lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính, người thuộc diện chính sách, có công. Ảnh: TTXVN

Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương.

Theo Bộ Y tế, tính đến 27-7 TP.HCM đã tiếp nhận hơn 6.000 nhân lực hỗ trợ công tác chống dịch và con số sẽ còn tiếp tục tăng. Dù vậy TP.HCM vẫn rất cần sự hỗ trợ thêm về nhân lực, vật lực để chống dịch trong thời gian tới.

Số nhân lực của hai đợt tiếp sức cho TP.HCM, đợt 1 có 612 bác sĩ, 1.362 điều dưỡng, 68 kỹ thuật viên và 1.629 sinh viên, đợt 2 có 289 người gồm 88 bác sĩ, 191 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên, hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn và đang tham gia tích cực vào điều trị, truy vết, phòng chống dịch.

Mỹ lại dẫn đầu ca nhiễm mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần 550.000 ca nhiễm và 9.100 ca tử vong. Nước Mỹ lại dẫn đầu về ca mắc mới trong khi Indonesia có nhiều ca tử vong nhất thế giới, với kỷ lục trên 2.000 ca/ngày.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 28/7 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 195.907.394 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.192.051 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 549.536 và 9.136 ca tử vong mới.

vna_potal_covid-19_thanh_pho_new_york_my_bat_buoc_cong_chuc_vien_chuc_phai_tiem_vaccine_5577661.jpg
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 20/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 177.549.478 người, 14.165.865 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.712 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ đã trở lại dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới sau một thời gian vị trí này thuộc về các điểm nóng khác như Indonesia, Ấn Độ. Cụ thể, các nước ghi nhận số ca dương tính với COVID-19 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (49.052 ca), Indonesia (45.203 ca) và Ấn Độ (42.928 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với ngày kỷ lục 2.069 người chết, tiếp theo là Brazil (1.249 ca) và Nga (779 ca).

Tuy thứ tự các nước có ca lây nhiễm và tử vong mới đã đổi vị trí, nhưng Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 35.337.883 người, trong đó có 627.359 ca tử vong.

Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.483.411 ca nhiễm, bao gồm 422.054 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.749.073 ca bệnh và 551.835 ca tử vong.

Indonesia: Hơn 2.000 người chết/ngày; thiếu ôxy và thuốc điều trị

Indonesia ngày 27/7 ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục, với 2.069 ca trong vòng 24 giờ. Nước này cũng ghi nhận 45.203 ca mắc mới, tăng mạnh so với 28.228 ca ghi nhận ngày 26/7.

Tình trạng bệnh nhân nặng tăng mạnh khiến Indonesia cần 2.500 tấn oxy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/7 tại Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết ở thời điểm trước lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 vừa qua, Indonesia cần 400 tấn oxy/ngày cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hiện nhu cầu này đã tăng vọt lên 2.500 tấn/ngày.

vna_potal_dich_covid-19_he_thong_y_te_cua_indonesia_qua_tai_nghiem_trong__5571845.jpg
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 20/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ông Budi cho biết Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tiếp tục mua 20.000 máy tạo oxy để phân phối cho các bệnh viện và cơ sở cách ly. Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 17.000 máy tạo oxy từ các nước như Ấn Độ, Thụy Sĩ, Singapore.

Tuy nhiên trong bối cảnh số ca mắc mới tăng liên tục, lượng oxy hiện có không đủ đảm bảo cung cấp kịp thời cho các bệnh nhân, nhất là ở những tỉnh thành ngoài đảo Java-Bali.

Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ từ bên ngoài, Indonesia cũng sẽ huy động tối đa năng lực trong nước như các nhà máy sản xuất oxy trong nước để sản xuất oxy y tế.

GIA HÂN