Thị trường bất động sản đang đứng trước áp lực lạm phát tăng cao

Lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, lạm phát cũng chịu áp lực tăng cao trong nửa đầu năm 2022 do nền thấp của nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên vật liệu thời điểm đầu năm 2021. Thị trường bất động sản đang đứng trước áp lực lạm phát tăng cao.

Chia sẻ tại diễn đàn bất động sản vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, ngay từ đầu năm 2022, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường hừng hực khí thế ở mọi vùng miền, các giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động, các doanh nghiệp cũng rất hưng phấn.

Tuy nhiên, trong dài hạn, thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, bên cạnh những rào cản về pháp lý. Cụ thể, lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên thị trường địa ốc năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt. Trong đó, ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ làm tăng thêm khó khăn cho thị trường. Trong khi đó, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam lại đưa ra những dữ liệu cụ thể hơn để nói về mối liên hệ giữa lạm phát và thị trường bất động sản.

Cụ thể, theo vị này, ở giai đoạn 2009 - 2010, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, giá bất động sản tăng nóng và có hiện tượng tiền được rút từ kênh chứng khoán sang mua bất động sản. Trong khi đó, CPI - chỉ số phản ánh lạm phát tại Việt Nam vào thời điểm này rơi xuống mức thấp nhất trong 6 năm. Điều này cho thấy giá bất động sản biến động ngược chiều với lạm phát.

Đến giai đoạn 2011 - 2013, lạm phát tăng 2 con số và đạt mức tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm, đỉnh điểm là CPI năm 2011 tăng 18,75% so với năm 2010. Lãi tiền gửi huy động dao động 18,5-21,5% và lãi vay lên đến 25-30%. Nợ xấu tại các ngân hàng tăng vọt, trong đó nợ xấu nằm trong bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Thị trường ở trạng thái đóng băng và giá nhà đất giảm mạnh.

Ông Long dẫn chứng, một căn chung cư hạng sang tại trung tâm Hà Nội có giá bán thứ cấp 2.000 USD (tương đương 35 triệu đồng/m2), giá bán lại sau một năm chỉ còn 25-28 triệu đồng/m2. Thời điểm này có rất nhiều người bị kẹt ở bất động sản. Giai đoạn gần nhất là vào năm ngoái, nhiều người cho rằng giá bất động sản tăng mạnh kéo theo lạm phát cao. Trong khi thực tế, CPI chỉ tăng 1,47%, tức lạm phát ở mức rất thấp.

Từ những phân tích trên, vị này cho rằng, chưa có bất kỳ dữ liệu nào thể hiện mối tương quan cùng chiều giữa lạm phát và giá bất động sản. "Người mua bất động sản cần tính đến các yếu tố giá tăng thực sự chứ lạm phát không phải là nguyên nhân khiến giá tăng, thậm chí lạm phát cao mà khiến lãi suất tăng, tiền tệ thắt chặt là kẻ thù của bất động sản, khiến bất động sản đóng băng, giảm giá", ông Long nhận định.

Lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, lạm phát cũng chịu áp lực tăng cao trong nửa đầu năm 2022 do nền thấp của nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên vật liệu thời điểm đầu năm 2021. Lạm phát kỳ vọng cao dự báo tiếp diễn trong các tháng tới, đặc biệt liên quan đến việc giá xăng dầu tăng cao do xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn. Cùng với đó là tác động vòng hai lên các hàng hoá, dịch vụ khác cũng là nguyên nhân tạo áp lực đáng kể lên lạm phát, theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS).

Trong bối cảnh này, nhiều người không muốn giữ tiền mặt mà có xu hướng chuyển vào các tài sản. Trong đó, bất động sản vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn, chống trượt giá. Nhưng liệu giá bất động sản có chắc chắn tăng khi lạm phát cao và thanh khoản lúc bấy giờ có còn tốt?

Trước những rủi ro về lạm phát, thị trường thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin nhà đầu tư truyền tai nhau mua bất động sản và xem đây là kênh trú ẩn an toàn trong trường hợp lạm phát cao xảy ra. Thực tế trong ba tháng đầu năm, thị trường BĐS có sốt nóng nhưng chỉ diễn ra cục bộ.

Tổng Hợp