Thị trường bất động sản vẫn ngóng chờ cơ chế

Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ chưa thể hồi phục như kỳ vọng. Song, nếu nhìn trong dài dạn sẽ có nhiều chính sách, cơ chế lớn hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển trở lại.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, từ nay đến cuối năm, có thể sẽ có hai văn bản pháp lý được ban hành. Đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản. Hai văn bản này sẽ tác động trực tiếp và rất lớn đến thị trường.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022. Luật đất đai sửa đổi sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc, chồng chéo để các dự án được khơi thông,... Văn phòng Chính phủ vừa qua đã có Văn bản số 6505 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở).

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Chia sẻ tại tọa đàm "Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch" ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hai Luật này đã được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ tháng 7/2015. Sau hơn 6 năm triển khai thi hành, hai luật đã góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp tại đô thị.

Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Tuy nhiên, cần phải xem xét sửa đổi nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.

Dự kiến Bộ sẽ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2022 để trình Quốc hội thông qua trong năm 2023. Trong đó, Bộ sẽ đề xuất bổ sung các quy định về các hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở, về việc ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội để góp phần giảm áp lực về nguồn cung nhà ở, hạn chế tình trạng thiếu cung, tăng giá nhà ở không hợp lý.

Đặc biệt là quy định cụ thể các điều kiện tham gia đầu tư dự án bất động sản, các điều kiện kinh doanh giao dịch bất động sản, việc quản lý hoạt động của các nhà môi giới, các sàn giao dịch bất động sản. Nhất là việc yêu cầu các chủ đầu tư, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến quy hoạch, dự án cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm để hạn chế, khắc phục tình trạng thổi giá, tăng giá, gây sốt giá như thời gian vừa qua,… "Nếu Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua trong thời gian tới sẽ khắc phục được các hạn chế đang xảy ra như hiện nay, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung, hoạt động kinh doanh nhà ở nói riêng một cách công khai, minh bạch hơn và sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh", ông Khởi nhận định.

Sau gần hai năm đối mặt với đại dịch COVID-19, cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam không đứng ngoài tác động tiêu cực. Trong ngắn hạn, cụ thể là từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ chưa thể hồi phục như kỳ vọng. Song, nếu nhìn trong dài dạn sẽ có nhiều chính sách lớn hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển trở lại. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ chấp thuận gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Cụ thể, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng bao gồm 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng gồm cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định. Đồng thời, cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Cương Nguyễn

(Tổng Hợp)