Thị trường mặt bằng bán lẻ TP HCM không ghi nhận nguồn cung mới trong quý đầu năm

Cùng với việc đóng cửa của các cửa hàng, nguồn cung tương lai cũng tăng trưởng chậm. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường mặt bằng bán lẻ TP HCM không ghi nhận nguồn cung mới và duy trì ở mức 1,5 triệu m2 sàn, không thay đổi so với quý trước.

Các trung tâm mua sắm tại khu vực ngoài trung tâm chứng kiến công suất giảm 1 điểm % điểm theo quý. Các hợp đồng hết hạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách mới. Tuy nhiên, khu vực trung tâm vẫn có tình hình hoạt động khả quan hơn, các diện tích trống nhanh chóng tìm được khách thuê và hầu hết các trung tâm mua sắm đã được lấp đầy.

Thị trường ghi nhận 11 dự án đã hoàn thành với nguồn cung khoảng 159.000 m2 sàn. Tuy nhiên, trong năm nay, chỉ có ba trên tổng số 11 dự án này dự kiến sẽ đưa vào hoạt động. Trong khi đó, công suất của các khu thương mại tiếp tục giảm. Tính đến hết quý I/2021, công suất trung bình đạt 93%, giảm 1 điểm % so với quý trước và 2 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Phân khúc bán lẻ tại TP HCM thời điểm hiện tại cũng đã và đang đón nhận nhiều nguồn đầu tư ngoại khi ghi nhận nhiều giao dịch mở mới một số thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng ăn uống, thời trang và phụ kiện, điều này cho thấy các thương hiệu quốc tế vẫn nhìn thấy tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Giá chào thuê ổn định theo quý, duy trì ở mức 50 USD/m2/tháng. Công suất cho thuê cao khiến giá thuê tăng nhẹ khoảng 2% theo năm nhờ một số dự án có giá thuê cao đã hoạt động trở lại như Parkson Saigon Tourist Plaza và Mê Linh Point.

Theo Savills, trong bối cảnh hoạt động bán lẻ tại khu vực ngoài trung tâm đang gặp khó khăn, các chủ nhà đã chủ động tìm cách hỗ trợ khách thuê như ưu đãi miễn phí tiền thuê trong suốt giai đoạn thi công hoặc áp dụng chiết khấu lên đến 40% trong 2 - 3 tháng đầu tiên đối với các giao dịch mới.

Trong một năm qua, bán lẻ được coi là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19, đặc biệt ở đợt dịch đầu tiên vào quý I/2020. Trước khi dịch COVID-19 tác động tiêu cực lên thị trường này, nhiều mặt bằng ở trung tâm TP HCM đã bị bỏ trống hàng loạt do giá thuê quá đắt đỏ, khiến người kinh doanh khó trụ nổi trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt.

Dịch COVID-19 trở thành giọt nước tràn ly, khiến các mặt bằng kinh doanh vốn dĩ đã khó, nay càng khó hơn trong việc tìm người thuê. Số lượng mặt bằng nhà phố được chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều nhưng tốc độ lấp đầy lại rất chậm.

Bất động sản bán lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Thị trường bán lẻ tại Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu suy yếu dần kể từ đầu tháng 2/2020 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, và tiếp sau đó là vào đầu tháng 4 và cuối tháng 7 khi dịch bệnh tái phát. Tuy nhiên, thị trường đang cho thấy sự phục hồi trong quý cuối năm và cả trong quý 1/2021 nhờ các dịp lễ hội cuối năm và Tết Nguyên Đán. Trước làn sóng đại dịch lần thứ 4 thị trường mặt bằng trở nên ảm đạm hơn nữa.

Kiên Cương