Giá cà phê hôm nay
Giá cà phê hôm nay không có nhiều biến động. Thị trường giao dịch trong khoảng 40.000 - 40.500 đồng/kg. Giá cà phê tại Lâm Đồng ở mức 40.000 đồng/kg, Đắk Lắk: 40.500 đồng/kg, Đắk Nông: 40.500 đồng/kg, Gia Lai: 40.500 đồng/kg, Kon Tum: 40.500 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 tăng 15 USD/tấn ở mức 1.857 USD/tấn, hợp đồng giao tháng 3/2023 tăng 9 USD/tấn ở mức 1.821 USD/tấn.
Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 tăng 2,3 cent/lb, ở mức 165,05 cent/lb, giao tháng 3/2023 tăng 2,2 cent/lb, ở mức 165,15 cent/lb.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022 cho thấy, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang thị trường Hàn Quốc đạt 3,22 nghìn tấn, trị giá 8,6 triệu USD, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Con số này tăng 41,5% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với tháng 9/2022, so với tháng 10/2021 tăng 16,5% về lượng và tăng 32,5% về trị giá.
Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 30,1 nghìn tấn, trị giá 76,68 triệu USD, giảm 3,0% về lượng, nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 10/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt mức 2.671 USD/tấn, tăng 5,1% so với tháng 9/2022 và tăng 13,8% so với tháng 10/2021.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt mức 2.547 USD/tấn, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về cơ cấu chủng loại, 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cà phê robusta sang thị trường Hàn Quốc, đạt 20,81 nghìn tấn, trị giá 42,28 triệu USD, giảm 6,5% về lượng, nhưng tăng 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp theo là cà phê chế biến, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 26,9% so với 9 tháng đầu năm 2021, đạt 19,75 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê arabica sang Hàn Quốc đạt 1,24 nghìn tấn, trị giá 5,85 triệu USD, tăng 45,7% về lượng và tăng 142,5% về trị giá.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa rải rác nhiều nơi ở khu vực trồng cà phê Tây Nguyên làm gián đoạn quá trình thu hoạch và sấy khô cà phê. Theo ước tính của các chuyên gia, tính đến ngày 20/11, 38% diện tích trồng cà phê tại Việt Nam đã được thu hoạch. Lượng cà phê thu hoạch càng lớn, nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu càng gia tăng do nông dân cần kho để chứa cà phê của vụ mới. Tuy nhiên không dễ để mua được hàng do nhà nông sẽ không bán ở vùng giá thấp vì họ sẽ thua lỗ.
Trong năm 2023, các ngân hàng trung ương lớn vẫn quyết định theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu. Kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ đối với cà phê sẽ khó có thể hồi phục và thậm chí là sụt giảm mạnh trong năm tới.
Giá tiêu hôm nay
Giá tiêu hôm nay dao động trong khoảng 58.500 - 62.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 60.000 đồng/kg, Gia Lai: 58.500 đồng/kg, Đồng Nai: 59.000 đồng/kg, Bà Rịa - Vũng Tàu: 62.000 đồng/kg, Bình Phước: 61.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.793 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 giữ nguyên mức 2.625 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ vững mức 5.100 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok duy trì ở mức 5.975 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Tại Việt Nam, giá tiêu đen giao dịch ở 3.150 - 3.250 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l, tăng 50 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.600 USD/tấn. Liên tiếp những ngày qua, IPC điều chỉnh tăng giảm đan xen giá bán hồ tiêu của Indonesia.
Nhận định về giá tiêu trong ngắn hạn (tháng 12/2022), chuyên gia dự báo sẽ có khởi sắc, nhưng không thể tăng mạnh. Kỳ vọng đến từ thị trường Trung Quốc tăng mua, và đồng USD hạ nhiệt.
Tuần này, báo cáo thất nghiệp của Mỹ sẽ được công bố, là cơ sở quan trọng để Fed quyết định điều chỉnh lãi suất thời gian tới. Do đó, đây cũng là thông tin ảnh hưởng nhất đến các sàn hàng hóa trong đó có hồ tiêu.
Nhiều ý kiến đều nhận định Fed bớt "diều hâu" hơn, vì vậy đồng USD sẽ giảm nhiệt trong thời gian tới. Đây là tín hiệu tốt cho giá tiêu tháng cuối năm 2022.
Có thể thấy, trong hơn nửa đầu tháng 11/2022, giá tiêu thế giới phục hồi tại các nước xuất khẩu lớn là Việt Nam, Brazil. Cục Xuất nhập khẩu nhận định, giá tiêu thế giới có xu hướng phục hồi do nhu cầu dịp cuối năm tăng và nguồn cung hạn chế.
Theo thống kê, xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 498,9 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu có xu hướng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với mức giảm 1,4% vào năm 2021, và dự đoán xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm vào năm 2022 dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong các thị trường quan trọng như EU và Mỹ.
Trong 5 năm trở lại đây, giá tiêu thế giới biến động theo xu hướng giảm. Năm 2015, giá FOB tiêu đạt đỉnh 10.000 USD/tấn đối với tiêu đen và 14.000 USD/tấn đối với tiêu trắng. Điều này đã dẫn đến việc mở rộng diện tích trồng tiêu ở hầu hết các nước. Do sự bùng nổ về diện tích, ngành gia vị thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm về giá tiêu trong giai đoạn 2019 đến đầu năm 2020, với mức giảm 4 - 5 lần so với năm 2016.
Giá cao su hôm nay
Giá cao su hôm nay tiếp tục tăng giảm trái chiều tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su tăng nhẹ gần 1% và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản), giá cao su vẫn giảm.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 12/2022 ghi nhận mức 212,3 yen/kg, giảm 1,04%, giảm 2,2 yen/kg. Kỳ hạn cao su tháng 1/2023, cao su kỳ hạn tháng 2/2023, kỳ hạn tháng 3/2023, kỳ hạn tháng 4/2023 đều giảm trên dưới 1%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2023 ở mức 12.795 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,87%, tăng 110 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay vẫn giữ đà tăng ở các kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023, tháng 6/2023 ở mức tăng gần 1%.
Trong 10 ngày giữa tháng 11/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước ổn định so với đầu tháng. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 262-272 đồng/TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 271-275 đồng/ TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó. Mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 1,81 tỷ USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.551 USD/tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 10 tháng năm 2022, các chủng loại cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) và cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp được xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất, chiếm 80,1% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc. Đứng thứ 2 là chủng loại Latex chiếm 13,6% và thứ ba là SVR 10 chiếm 1,8% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022.
Trong 10 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su sang Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm 2021 như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp giảm 1,8%; Latex giảm 3,1%; SVR 10 giảm 3,1%; SVR 3L giảm 6%; RSS3 giảm 9,1%; SVR CV60 giảm 6,3%...
Thời gian qua, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn do nước này phải đối mặt với khủng hoảng bất động sản, các đợt nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất, khiến giá cao su xuất khẩu sang nước này giảm.
Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế để phòng chống Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu thụ. Thời gian tới, dự đoán giá cao su sẽ phục hồi trở lại sau khi Chính phủ Trung Quốc cam kết đưa ra các chính sách theo từng giai đoạn để ổn định kinh tế và phục hồi tiêu dùng.