Thị trường nông sản ngày 5/11: Giá cà phê tiếp tục đà tăng

Thị trường nông sản hôm nay 5/11 ghi nhận giá cà phê tiếp tục đà tăng trong khi thị trường tiêu khá trầm lắng do nhu cần giảm, đặc biệt là trên thị trường Trung Quốc.

Giá cà phê tiếp tục đà tăng

Giá cà phê trong nước hôm nay 5/11 giao dịch trong khoảng 40.700 - 41.300 đồng/kg. 

Cụ thể, tại Lâm Đồng là 40.700 đồng/kg, Đắk Lắk: 41.300 đồng/kg, Đắk Nông: 41.300 đồng/kg, Gia Lai: 41.300 đồng/kg, Kon Tum: 41.300 đồng/kg. 

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 tăng 34 USD/tấn, giao dịch ở mức 1.876 USD/tấn; giao tháng 3/2023 tăng 30 USD/tấn, giao dịch ở mức 1.857 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 tăng 3,55 US cent/lb, giao dịch ở mức 175,75 cent/lb; giao tháng 3/2023 tăng 3,3 US cent/lb, giao dịch ở mức 171,65 US cent/lb.

Giá tiêu đi ngang và chờ động tĩnh từ thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Cà phê dự kiến sẽ giao dịch ở mức 164,93 USd / Lbs vào cuối quý này.

Giá cà phê trong nước và thế giới sáng nay bật tăng mạnh bất chấp Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo tăng lãi suất mạnh lần thứ 4 liên tiếp ở mức 0,75 điểm %.

Tại Việt Nam, lũy kế xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu niên vụ 2022 đạt khoảng 1.4 triệu tấn, tăng 10.6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê robusta từ Indonesia trong tháng 9 cũng tăng mạnh tới 136% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng đầu niên vụ đạt 2.357 triệu bao, tăng 59.33% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật đều cho tín hiệu động lượng giảm giá vẫn còn rõ nét dù thị trường đã vào sâu vùng quá bán. Bởi vậy, cộng thêm các yếu tố thị trường, giá cà phê có thể sẽ còn những biết động khó dự đoán.

Việt Nam hiện đang bước vào vụ thu hoạch mới. Nông dân tỉnh Gia Lai trúng mùa do thời tiết thuận lợi, giá cà phê cũng cao hơn vụ trước nên nhiều hộ lãi gần một nửa so với mọi năm. Ông Nguyễn Văn Dương, ở tổ 3, thôn Thanh Bình, xã Ia Bă, huyện Ia Grai cho hay, gia đình có 500 gốc cà phê, thu 1 cây cà phê là được bình quân 20kg quả tươi với giá thành 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, công cán gia đình lãi một nửa so với mọi năm.

Huyện Ia Grai là vùng sản xuất cà phê lớn ở tỉnh Gia Lai với hơn 18.000ha. Theo Phòng NN&PTNT huyện, năng suất cà phê bình quân niên vụ này, ước đạt 3,5 tấn/ha, cao hơn 10% so với vụ trước. Với những nông dân giỏi, vườn cà phê sẽ đạt năng suất từ 4,5 đến 6 tấn/ha.

Niên vụ cà phê 2022 trên địa bàn huyện huyện Ia Grai cơ bản thuận lợi và phát triển tốt. Nhìn chung năm nay cà phê được mùa, giá bán cao hơn so với năm trước lại gặp thời tiết khí hậu thuận lợi và không thiếu nhân công. Các cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên hướng dẫn, tập huấn khoa học kỹ thuật; các công ty xuất khẩu cà phê đứng chân trên địa bàn tỉnh và huyện đã liên kết sản xuất với các HTX và các hộ gia đình. Do đó, tiêu chuẩn để cà phê xuất khẩu sang thị trường các nước đảm bảo và cơ bản ổn định.

Thị trường tiêu trầm lắng

Giá tiêu trong nước hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 59.000 đồng/kg, tại Gia Lai là 56.000 đồng/kg, tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo), dao động trong mức 57.000 đồng/kg, Bình Phước: 58.000 đồng/kg, Đồng Nai: 56.5000đồng/kg.

Giá tiêu đi ngang và chờ động tĩnh từ thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Những yếu tố tác động đến thị trường hồ tiêu trong thời gian qua bao gồm lạm phát tăng cao tại nhiều nước trên thế giới, chính sách Zero COVID của Trung Quốc và đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác.

Những yếu tố này vẫn sẽ là trở ngại chính đối với ngành hồ tiêu Việt Nam trong những tháng cuối năm nay. Thêm vào đó, việc các đại lý đẩy mạnh bán tiêu để chuyển dòng vốn kinh doanh cà phê khi vụ cà phê đang đến gần cũng gây thêm áp lực giảm giá lên mặt hàng này.

Cục Xuất Nhập khẩu dự báo, giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc. Đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước.

Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi. Giá hồ tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Mặt khác, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Việt Nam cũng khiến cho lượng lớn hồ tiêu xuất khẩu tiểu ngạch không vào được thị trường này.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 10/2022 ước đạt 15 nghìn tấn, giá trị 58 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 10 tháng năm 2022 đạt 190 nghìn tấn và 829 triệu USD, giảm 17,4% về khối lượng nhưng tăng 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2022 ước đạt 4.372 USD/tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhìn về thị trường từ đầu năm cho thấy một màu sắc u ám, bức tranh không mấy sáng sủa này có lẽ duy trì đến hết năm, thậm chí hết thời gian thu hoạch vụ mới. Nhưng thị trường có quyền hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn, khi lạm phát giảm bớt và Trung Quốc mua mạnh bù đắp vào phần hàng thiếu hụt trong nước.

Giá cao su tăng nhẹ trên sàn Nhật Bản

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 12/2022 ghi nhận mức 214,2 JPY/kg, tăng 1,1 JPY/kg. Kỳ hạn giao tháng 11 giữ nguyên ở mức 216 JPY/kg; các kỳ hạn tháng 1/2023, kỳ hạn tháng 2/2023, kỳ hạn tháng 3/2023 tăng hơn 1%.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2022 đứng ở mức 11.500 CNY/tấn, tăng 175 CNY/tấn.

Giá cao su Thượng Hải hôm nay tăng ở các kỳ hạn tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023 ở mức gần 2%.

Giá tiêu đi ngang và chờ động tĩnh từ thị trường Trung Quốc - Ảnh 3.

Cao su dự kiến sẽ giao dịch ở mức 115,47 US Cents / kg vào cuối quý này.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 609,17 nghìn tấn, trị giá 930,86 triệu USD, tăng 6% về lượng, nhưng giảm 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2022 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi, tuy nhiên trị giá vẫn giảm do giá cao su giảm mạnh.

Trong quý IV/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Vì các loại hàng hóa cơ bản được tính bằng USD, nên khi USD tăng mạnh sẽ sẽ hạ giá trị các loại hàng hóa này. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng USD tăng mạnh. Mặt khác, rủi ro của ngành cao su là mưa lớn kéo dài vào vụ cao điểm nên ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu hoạch.

Hiện tượng La Nina tiếp diễn năm thứ 3 liên tiếp trong 2022 làm gia tăng tần suất và lượng mưa, qua đó tác động tiêu cực đến hoạt động thu hoạch và sản lượng mủ cao su của các doanh nghiệp. Về thị trường xuất khẩu: trong quý III/2022, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 89,8% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Quý III/2022, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 548,97 nghìn tấn, trị giá 836,16 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý III/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 453,06 nghìn tấn, trị giá 669,14 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 70,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.

Đứng thứ hai là xuất khẩu sang Ấn Độ với 42,04 nghìn tấn, trị giá 69,64 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và tăng 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 6,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong quý 3/2022.

HÀ MY