Giá cà phê giảm
Giá cà phê hôm nay 27/4: Giá cà phê trong nước giảm nhẹ 500 đồng/kg so với hôm qua, hiện dao động từ 51.100 – 51.800 đồng/kg.
Giá cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giảm 500 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng có giá từ 51.000 – 51.100 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum và tỉnh Đắk Nông đứng ở mức giá 51.700 đồng/kg, Đắk Lắk giảm 500 đồng/kg.
Đối với giá cà phê thế giới, trên hai sàn London và New York tiếp tục xu hướng giảm. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm 25 USD, xuống 2.419 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 22 USD, còn 2.391 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo thu hẹp khoảng cách.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 5,05 cent, xuống 188,40 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 5,00 cent, còn 185,65 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.
Giá cà phê kỳ hạn đảo chiều sụt giảm trên cả hai sàn ngay trong ngày thông báo đầu tiên (FND) của thị trường London sau khi đã tăng quá nóng ở phiên trước đó. Tuy nhiên các thị trường cần có một vài phiên thăm dò để xác định xu hướng giá trong ngắn và trung hạn.
Tổ chức Cà phê quốc tế ước tính, nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại. Theo dự báo này, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022 - 2023. Tuy nhiên, sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.
Thị trường cũng đang chờ dữ liệu báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 3/2023 của Brazil khi ước tính ban đầu giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo tốc độ tăng giá cà phê thế giới sẽ chậm lại. Lo ngại lạm phát ở EU và lãi suất ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng khiến mức tiêu thụ cà phê sẽ không còn chắc chắn.
Giá tiêu tăng mạnh
Giá tiêu hôm nay 27/4 tại thị trường trong nước điều chỉnh tăng 1.000 – 1.500 đồng/kg tại các vùng trọng điểm, đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong tuần. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 66.000 – 69.000 đồng/kg.
Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tăng 1.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 66.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua ổn định ở mức 67.000 đồng/kg.
Tương tự, tại Đông Nam bộ, giá tiêu cũng điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg. Hiện giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 69.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Bình Phước và Đồng Nai giá tiêu điều chỉnh tăng mạnh 1.500 đồng/kg lên mức 69.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.540 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.002 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Đáng chú ý, giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.275 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550g/l mức 3.325 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.830 USD/tấn.
Về xuất khẩu tiêu, nửa đầu tháng 4/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 14.464 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch đạt 43,9 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình tiêu đen trong tháng đạt 3.379 USD/tấn, tiêu trắng đạt 4.737 USD/tấn. Thị trường xuất khẩu hàng đầu tiếp tục là Trung Quốc chiếm 43,2%, đạt 6.242 tấn.
Khả năng tháng 4/2023 sẽ xuất khẩu được 25-30.000 tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm lên 102-107.000 tấn. (4 tháng đầu năm 2022 chỉ xuất khẩu được 79.410 tấn).
Tính chung quý I/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 76,2 nghìn tấn, trị giá 233,45 triệu USD, giảm 6,0% về lượng và giảm 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su hôm nay
Giá cao su hôm nay (27/4) thị trường kỳ hạn tháng 5/2023 đồng loạt giảm trên các sàn giao dịch, tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) giá cao su ở tất cả các kỳ hạn chìm trong sắc đỏ với biên độ gần 1%.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 5/2023 đạt mức 204,50 yen/kg, giảm 1,68% (tương đương 3,50 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h5 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2023 được điều chỉnh xuống mức 11.755 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,17% (tương đương 20 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hà Lan đạt 3,03 nghìn tấn, trị giá 4,38 triệu USD, tăng 31,2% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.447 USD/tấn, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR CV60 được xuất khẩu sang Hà Lan nhiều nhất, chiếm 53,2% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023. Tiếp theo, chủng loại Latex chiếm 19,65% và SVR 3L chiếm 18,63% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023.
Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023 hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là Latex giảm 22,7%; SVR 10 giảm 21,5%; SVR 3L giảm 20,1%; SVR CV60 giảm 18,3%…
Tại thị trường Hà Lan, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan và Bờ Biển Ngà. Do đó các doanh nghiệp cần dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường của Hà Lan để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành cao su Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách. Những điều này gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su cũng như các doanh nghiệp cao su Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe.