Thời đại đã qua
Tại Vành đai lửa Thái Bình Dương vốn rất giàu tài nguyên của Canada, các mục tiêu xanh đang xung đột khi giấy phép khai thác khoáng sản sản xuất xe điện (EV) bị chậm lại do lo ngại về suy thoái môi trường. Tại Thái Lan - được mệnh danh là Detroit của Châu Á, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang mất dần vị thế vào tay các công ty Trung Quốc.
Tại Mexico, các nhà sản xuất ô tô phương Tây đang mở rộng nhanh chóng việc bán xe điện qua biên giới phía bắc. Nhưng trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang tăng cường bán hàng cho người tiêu dùng địa phương.
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua xe điện với hơn 80% thị phần pin lithium-ion của thế giới. Chính quyền Washington muốn thay đổi điều đó, với việc Đạo luật Giảm lạm phát đã chi hàng tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất ô tô đến đây.
Bắc Kinh cũng vướng vào rắc rối với cuộc điều tra về các khoản trợ cấp xe điện của EU khi khối này đang xem xét thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực pin lithium và pin nhiên liệu.
Bị vướng vào cuộc chiến là những nền kinh tế nhỏ hơn vốn đang hưởng lợi ích khi dòng vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào. Những nền kinh tế khác lại đang mất đi vị thế khi ngành công nghiệp ô tô của họ được xây dựng từ một thời đại đã qua và đang phải đối mặt với tình trạng lỗi thời.
BloombergNEF dự báo giá trị tích lũy của tất cả các hình thức bán xe điện sẽ đạt 8,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và 57 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Con số đó thậm chí sẽ tăng lên hơn 88 nghìn tỷ USD vào giữa thế kỷ này nếu thế giới loại bỏ các phương tiện ngốn xăng.
Colin McKerracher, người đứng đầu bộ phận phân tích ô tô và vận tải tại BNEF cho biết lĩnh vực ô tô là nguồn cung cấp việc làm sản xuất, đầu tư R&D và đổi mới chính, nhưng không phải ai cũng thực hiện quá trình chuyển đổi này một cách suôn sẻ. Nếu không nắm bắt có thể bị bỏ lại phía sau.
Vậy cuộc cách mạng xe điện đang tạo ra những căng thẳng về địa chính trị, môi trường và xã hội trên toàn cầu như thế nào?
"Soy Electrico" chen lấn trên đường phố Mexico
Trên những con đường đầy sương mù của Mexico, hơn 1.000 chiếc taxi điện và xe buýt công cộng có nhãn "Soy Electrico" chạy vòng quanh những con phố đông đúc phương tiện giao thông.
Taxi mang nhãn hiệu Vemo bao gồm xe điện từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD và An Huy Jianghuai Automobile Group. Trong khi xe buýt và xe đẩy là của các công ty Trung Quốc Yutong và Zhongtong.
Mexico được coi là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD của Biden khi người tiêu dùng mua xe điện được sản xuất tại Bắc Mỹ. General Motors, BMW AG, Ford Motor, Stellantis NV và Kia Corp đều đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất xe điện của họ ở đó để tận dụng những lợi ích hấp dẫn gần bờ.
Trong khi các nhà sản xuất ô tô phương Tây đang chuẩn bị sản xuất xe cho thị trường Mỹ thì các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhảy vào cuộc bằng cách tăng doanh số bán hàng cho người Mexico. Mexico là nước nhập khẩu ô tô Trung Quốc lớn thứ hai trong 5 tháng đầu năm, sau Nga.
Matias Gomez Leautaud, nhà phân tích chính của Mexico cho biết logic chính đằng sau khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mexico là để lách thuế và tiếp cận thị trường Mỹ.
Giám đốc BYD Châu Mỹ - Stella Li không lo lắng về tình hình địa chính trị. "Chúng tôi sẽ tạo ra nhiều việc làm và quan trọng nhất là sẽ mang công nghệ để giúp Mexico trở nên đổi mới hơn, vậy tại sao chính phủ phải chống lại chúng tôi"?
Tuy nhiên, Mexico đã lặng lẽ hủy bỏ 9 hợp đồng nhượng quyền lithium do Ganfeng Lithium Group nắm giữ vào tháng 8. Và vấn đề này sẽ trở nên quan trọng hơn trước cuộc bầu cử tổng thống ở cả Mỹ và Mexico vào năm tới.
Thị trấn nhỏ vươn lên ở Hungary
Debrecen ở biên giới phía đông Hungary, gần Romania đã đóng vai trò quan trọng thứ hai sau Budapest trong nhiều thế kỷ. Nhưng giờ đây, thành phố số hai của đất nước này đang có bước đi táo bạo nhất từ trước đến nay, khi vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu để trở thành trung tâm quan trọng cho các nhà sản xuất pin.
Sự gia tăng đầu tư đang biến thành phố với khoảng 200.000 cư dân này thành một điểm đến bùng nổ, với lực lượng lao động nước ngoài đổ xô đến để giúp xây dựng các nhà máy lớn. Sân bay địa phương đang được mở rộng và giá bất động sản đang tăng cao. Các quán cà phê thời thượng và nhà hàng cao cấp có nhu cầu dồi dào ngay cả trong thời kỳ suy thoái kéo dài.
Ở vùng ngoại ô, BMW đang xây dựng một nhà máy xe điện mới và công ty Contemporary Amperex Technology đang xây dựng nhà máy pin lớn nhất Châu Âu. Thành phố này đã thu hút 12,5 tỷ euro (13,4 tỷ USD) đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 8 năm qua, bao gồm hầu hết các nhà sản xuất pin và nhà cung cấp của Trung Quốc.
Diện tích khu công nghiệp của thành phố đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn này, lên hơn 40.000 ha. Hungary trở thành nhà sản xuất pin lớn thứ tư trên toàn cầu, sau Trung Quốc, Mỹ và Đức. Debrecen đã thực sự bước ra khỏi cái bóng của chính mình.
Khách sạn Hilton đầu tiên bên ngoài Budapest dự kiến sẽ khai trương tại đây vào năm tới. Khách sạn này đang tìm cách tận dụng làn sóng du lịch để đẩy mạnh đến kinh doanh. Lufthansa AG phục vụ sân bay địa phương và hãng hàng không giá rẻ Wizz Air ở gần đó. Giá bất động sản gần như tăng gấp đôi trong 5 năm qua, làm lu mờ tốc độ tăng trưởng ở Budapest trong giai đoạn này.
Ngoài ra còn có câu hỏi về nơi ở cho công nhân, khi luận điệu chống người nhập cư của Thủ tướng Viktor Orban khiến các quan chức phải tinh chỉnh thông điệp để đáp ứng nhu cầu của các công ty sản xuất pin.
Karoly Benedikt, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản, cho biết: "Cho dù đó là người Hungary hay người lao động nhập cư, việc giải quyết vấn đề nhà ở cho họ là một nhiệm vụ không hề nhỏ, hiện chỉ có vài trăm căn hộ cho thuê ở Debrecen".
Nhưng đó là một thách thức mà một số nước trong khu vực hoan nghênh. Trong khi Ba Lan cũng tích cực tăng cường sản xuất pin, thì Cộng hòa Séc và Slovakia - những nền kinh tế lân cận phụ thuộc nhiều vào phương tiện chạy bằng khí đốt đã tụt lại phía sau, ngay cả khi họ cần thực hiện bước nhảy vọt về xe điện để duy trì ngành sản xuất ô tô cho nền kinh tế.
Tuần trước, chính phủ Séc phải vật lộn tìm kiếm các giải pháp thay thế sau khi Volkswagen AG - chủ sở hữu của Skoda Auto AS, nói rằng hiện tại không có lý do để xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở nước này sau khi họ đã chọn một số nhà máy khác ở Châu Âu và Canada.
Detroit của châu Á đang nóng lên
Nhiều thập kỷ trước, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản đã biến khu công nghiệp phía đông Thái Lan thành trung tâm sản xuất ô tô toàn cầu và được mệnh danh là "Detroit của châu Á". Giờ đây, khi chính phủ tìm cách chuyển sang sử dụng điện để duy trì sự phù hợp, thì nguồn đầu tư của Trung Quốc đang đổ vào.
Jareeporn Jarukornsakul - giám đốc điều hành tập đoàn WHA Corp Pcl đã chốt được nhiều thỏa thuận, bao gồm cam kết đầu tư 18 tỷ baht (507 triệu USD) của BYD và kế hoạch 9 tỷ baht của Changan Automobile để xây dựng các nhà máy đầu tiên ở Thái Lan.
Great Wall Motor và SAIC Motor cũng đã thành lập cơ sở sản xuất và xuất khẩu ô tô trong khu công nghiệp của WHA trên khắp bờ biển phía đông Thái Lan, sánh vai với các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Nhật Bản và phương Tây từ lâu đã thống trị thị trường công nghiệp rộng lớn.
Jareeporn nói trong một cuộc phỏng vấn ở Bangkok: "Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tràn vào, chiếm một nửa số khách hàng mới của tôi trong vài năm qua. Mọi người đang đổ xô đầu tư, mua đất, thành lập nhà máy và bắt đầu sản xuất xe điện để tận dụng các ưu đãi của chính phủ".
Thái Lan đã phân bổ 43 tỷ baht để khuyến khích áp dụng xe điện và tài trợ cho các gói kích thích để thu hút đầu tư. Năm ngoái, họ trở thành công ty đầu tiên ở Đông Nam Á cung cấp trợ cấp tiền mặt lên tới 150.000 baht cho ô tô điện chở khách.
Ô tô chạy bằng pin cũng được miễn hầu hết thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cho đến cuối năm nay. Đổi lại, các hãng ô tô phải cam kết sản xuất trong nước từ năm 2024. Thái Lan muốn 30% tổng sản lượng ô tô của nước này là chạy điện vào năm 2030.
Cục Đầu tư Thái Lan đã nhận được đơn đăng ký đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 365 tỷ baht, tăng 73% so với một năm trước. Trung Quốc đã đầu tư 90,35 tỷ baht trong giai đoạn này, tăng gần gấp ba giá trị các dự án được phê duyệt cách đây một năm và hơn gấp đôi mức 40,55 tỷ baht của Nhật Bản.
Các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như Jareeporn, người có đại diện bán hàng tại Trung Quốc, coi cuộc cạnh tranh xe điện toàn cầu là "cơ hội vàng" để thu hút đầu tư nước ngoài.
Sự xuất hiện của thời đại xe điện có thể sẽ làm giảm tầm quan trọng của ngành ô tô đối với nền kinh tế Thái Lan, ngay cả khi nước này vẫn giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đó là bởi vì động cơ EV yêu cầu ít bộ phận hơn đáng kể so với động cơ đốt trong. Ngoài ra, Thái Lan không có nguồn tài nguyên khoáng sản cần thiết mà xe điện cần để bù đắp. Điểm mấu chốt là chính phủ sẽ cần khai thác các lĩnh vực khác để duy trì tiềm năng tăng trưởng trong khi chuyển đổi sang thời đại xe điện.
Các thị trấn khai thác mỏ của Nam Phi chuẩn bị cho kỷ nguyên xe điện
Nam Phi nắm giữ khoảng 4/5 trữ lượng bạch kim được biết đến trên thế giới và là một trong những nhà sản xuất palladium lớn nhất được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác của động cơ đốt trong - một phần của hệ thống xả dưới ô tô giúp chuyển đổi một số khí độc thành ít độc hại hơn.
Trong kỷ nguyên xe điện, những bộ phận như vậy không còn cần thiết nữa, điều này phủ bóng đen lên nhu cầu về kim loại trong tương lai cũng như hàng nghìn công việc và gia đình phụ thuộc vào việc khai thác nó.
Các thị trấn khai thác mỏ như Rustenburg - vành đai bạch kim ở phía bắc đất nước, đang chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi. Các quan chức đã vạch ra kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế của họ trong những thập kỷ tới, nhưng việc chuyển đổi sẽ không dễ dàng.
Các nhóm lao động đã phản đối kế hoạch chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào than đá của quốc gia sang các nguồn năng lượng sạch hơn vì họ không tin rằng quy trình như vậy sẽ công bằng. Công đoàn lớn nhất tại cơ quan điện lực nhà nước đã yêu cầu đình chỉ việc chuyển đổi.
Khai thác kim loại thuộc nhóm bạch kim có vai trò quan trọng để duy trì sinh kế của khoảng 175.000 công nhân mỏ. Theo Joseph Mathunjwa, chủ tịch Hiệp hội Công nhân mỏ, số phận của họ giờ đây phụ thuộc vào nhu cầu toàn cầu trong tương lai.
Hội đồng Khoáng sản Nam Phi thừa nhận mối đe dọa tiềm ẩn này khi giá Palladium đã giảm khoảng 40% trong năm qua.
Về lâu dài, hội đồng khoáng sản Nam Phi đang đặt hy vọng vào nhu cầu trong nước từ việc tiêu thụ hydro xanh thông qua việc sử dụng điện phân và pin nhiên liệu. Xe điện chạy bằng hydro thay vì chỉ dùng pin sử dụng nhiều bạch kim hơn để sản xuất điện. Anglo American Plc đã chi hàng chục triệu USD cho công nghệ này để phát triển nguyên mẫu xe tải khai thác mỏ lộ thiên mà hãng này đã ra mắt vào năm ngoái.
Johan Theron, phát ngôn viên của Impala Platinum Holdings cho biết ngay cả khi không có động cơ đốt trong, các rặng núi giàu khoáng sản ở Nam Phi có chứa bạch kim, ruthenium và iridium - những khoáng chất sẽ đóng vai trò trong quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn có giá trị lâu dài.
"Tuy nhiên, tương tự như vậy, chúng tôi không ngây thơ về nguy cơ điện khí hóa đối với nhu cầu palladium trong tương lai và cũng không quá phấn khích về tiềm năng của nền kinh tế hydro mới ra đời", ông nói.
Các mục tiêu xanh xung đột ở 'Vành đai lửa' của Canada
Tại vùng hoang dã hiểm trở và dân cư thưa thớt ở cực bắc Canada, một số công ty khai thác mỏ đang tọa lạc trên những mỏ khoáng sản khổng lồ ước tính trị giá hơn 67 tỷ USD. Khu vực này được mệnh danh là "Vòng lửa" với những dòng sông ngoằn ngoèo và cánh rừng thông rộng lớn chứa đầy niken, đồng, crom và bạch kim.
Nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Canada mang lại cho nước này một nền tảng tự nhiên trong nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng xe điện nội địa ở Bắc Mỹ.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ vào năm 2022, đây cũng là nơi đặt trụ sở của phần lớn các công ty khai thác mỏ trên thế giới. Mặc dù chính phủ Canada đã đưa ra cách tiếp cận tự do trong việc khai thác các kim loại quan trọng, nhưng vẫn cố gắng duy trì các tiêu chuẩn môi trường để bảo vệ quyền lợi của người dân bản địa trong nước.
Các chính trị gia Canada và các nhà lãnh đạo ngành đều coi khu vực này là cơ hội tốt nhất để đất nước trở thành nhà cung cấp kim loại EV chính. Phần lớn khoáng sản pin ngày nay được cung cấp bởi các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Chile, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng sự phát triển của Vành đai lửa sẽ mang lại cho các nhà sản xuất ô tô ở Michigan và vùng đông nam Ontario lân cận khả năng tiếp cận mới với nguồn cung cấp pin ở Bắc Mỹ.
Khu vực này đóng vai trò như một bể chứa carbon khổng lồ mà các nhà môi trường và cộng đồng bản địa địa phương coi là quan trọng để bảo tồn môi trường và hệ sinh thái xung quanh. Đây cũng là môi trường sống quan trọng của động vật hoang dã bao gồm tuần lộc, chó sói và chim di cư.
Do đó, các dự án trong khu vực đã bị cản trở bởi hàng loạt các cuộc xem xét cấp phép và kiện tụng. Một số cộng đồng thổ dân đã khởi kiện để ngăn chặn các dự án được tiến hành. Kate Kempton, luật sư đại diện cho các nhóm người bản địa ở Ontario cho biết: "Sẽ thật ngu ngốc nếu vội vã đưa ra quyết định về vấn đề này. Các vùng đất than bùn là một trong những nơi hấp thụ carbon hiệu quả nhất trên thế giới. Chúng ta không thể phạm sai lầm này được".
Tỷ phú người Úc - Andrew Forrest, người sở hữu công ty Wyloo Metals Pty đã cảnh báo rằng dự án của ông đang gặp rủi ro do tốc độ phê duyệt theo quy định chậm chạp.
Các nhà phân tích cho rằng tốt hơn hết là nên nghiên cứu kỹ tác động của việc khai thác trước khi an phẳng hàng ngàn dặm rừng vàng biển bạc này.
(Nguồn: Bloomberg)