Các nhà khoa học cho biết sự nóng lên toàn cầu đang làm trầm trọng thêm tình trạng thời tiết bất lợi, với nhiều quốc gia đang trải qua những đợt nắng nóng chết người và nhiệt độ đạt mức kỷ lục trên khắp Đông Nam Á và Nam Á trong những tuần gần đây.
Trong thông báo đăng trên tài khoản chính thức trên mạng xã hội Weibo, Cơ quan thời tiết Thượng Hải nêu rõ: "Vào lúc 13h09, nhiệt độ tại ga metro Xujiahui đạt 36,1 độ C, phá kỷ lục các mức nhiệt độ cao nhất trong tháng 5 được ghi nhận trong 100 năm qua".
Sau đó vào buổi chiều, nhiệt độ tại ga metro ở trung tâm Thượng Hải thậm chí tăng lên 36,7 độ C.
Mức nhiệt độ trên cao hơn 1 độ C so với kỷ lục 35,7 độ C đã được ghi nhận 4 lần trước đây vào các năm 1876, 1903, 1915 và 2018.
Cư dân Thượng Hải ngột ngạt dưới cái nắng đầu giờ chiều, với một số ứng dụng hiển thị ước tính nhiệt độ "cảm thấy như" hơn 40 độ C.
"Tôi ra ngoài vào buổi trưa để nhận hàng và sau khi quay lại thì thấy đau đầu", một bài đăng từ Thượng Hải trên Weibo viết.
Một người khác nói: "Tôi gần như bị say nắng, nó thực sự nóng đến mức muốn nổ tung".
Nhiệt độ cao kỷ lục
Các khu vực của Ấn Độ đã chứng kiến nhiệt độ trên 44 độ C vào giữa tháng 4, với ít nhất 11 trường hợp tử vong gần Mumbai do say nắng chỉ trong một ngày.
Ở Bangladesh, Dhaka trải qua ngày nóng nhất trong gần 60 năm.
Thành phố Tak ở Thái Lan ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 45,4 độ C , trong khi tỉnh Sainyabuli ở Lào đạt 42,9 độ C, kỷ lục nhiệt độ quốc gia mọi thời đại, nghiên cứu của nhóm World Weather Attribution cho biết.
Một báo cáo gần đây từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng "mọi sự gia tăng của sự nóng lên toàn cầu sẽ làm gia tăng nhiều mối nguy hiểm đồng thời".
Theo hãng tin AFP, vào tháng 5, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng gần như chắc chắn rằng từ năm 2023 đến năm 2027 sẽ là khoảng thời gian 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận, khi khí nhà kính và El Nino kết hợp với nhau khiến nhiệt độ tăng vọt.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc cho biết, có 2/3 khả năng rằng ít nhất một trong 5 năm tới nhiệt độ toàn cầu sẽ vượt quá mục tiêu tham vọng hơn được đặt ra trong hiệp định Paris về hạn chế biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận Paris 2015 chứng kiến các quốc gia đồng ý hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C so với mức trung bình đo được từ năm 1850 đến 1900 - và 1,5 độ C nếu có thể.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850 đến 1900.