Trong những ngày cuối năm, thưởng Tết là vấn đề được người làm công ăn lương đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các sếp cũng không khỏi lo lắng khi phải giải bài toán thưởng Tết.
Shark Phú: Thưởng Tết là giọt nước tràn ly
Shark Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse cũng từng nói về việc thưởng Tết xong mới nghỉ việc, tuy nhiên quan điểm này có phần khác Shark Hưng. Shark Phú nói: "Không chỉ phải làm đúng, làm đủ, làm tốt, chúng ta còn phải làm hơn những gì đã cam kết thì mới có nguồn để thưởng. Đây là điều mà cả người lao động và người làm chủ cần hiểu rõ để đảm bảo cân bằng cho cả 2 bên".
Về làn sóng nghỉ việc sau Tết, Shark Phú cho rằng tiền thưởng Tết là giọt nước tràn ly khiến cho nhân viên đi đến quyết định nghỉ việc: "Người ta cố gắng chịu đựng 1 - 2 tháng nữa để nhận thưởng cuối năm rồi họ sẽ chuyển đổi công việc. Nguồn cơn khi họ thay đổi công việc không phải do thưởng Tết mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác tích lũy trước đó. Có thể trong quá trình làm việc hàng ngày, môi trường, văn hoá, chế độ chính sách của công ty đã gây ức chế với họ. Cộng thêm thưởng Tết không như kỳ vọng nên họ quyết định ra đi. Thưởng Tết chỉ là giọt nước làm tràn ly còn phần chính nằm ở chỗ khác".
Cộng đồng mạng đã “đào lại” câu nói ấn tượng của các Shark Việt chia sẻ để đời về chuyện thưởng Tết.
Shark Hưng: Sát tết nên nhảy việc hay đợi thưởng Tết?
Cuối năm 2020, Shark Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group chia sẻ về việc "Sắp Tết, có nên nhảy việc không hay đợi thưởng". Shark Hưng thẳng thắn cho rằng chuyện nhảy việc không phụ thuộc vào thưởng Tết. Shark Hưng nói: "Cái này thì không phải phụ thuộc vào thưởng đâu. Nếu các bạn đã muốn nhảy việc rồi thì quan trọng là các bạn đã có việc khác tốt hơn chưa?
Không nên vì vài đồng tiền thưởng, nếu bạn đã muốn đi rồi thì thưởng không quá quan trọng. Nếu bạn cố gắng để có thưởng, kéo dài thời gian thì có thể nhận phải những đánh giá là thực dụng quá. Hãy quyết định vì những yếu tố khác, không nên ở lại hay ra đi vì tiền thưởng".
Xét cho cùng, về bản chất, thưởng Tết vẫn là số tiền mà người lao động xứng đáng được hưởng, chứ nó không tự nhiên sinh ra hay chủ doanh nghiệp phải móc hầu bao cá nhân ra để trả. Chỉ có điều, trong khi cac doanh nghiệp nước ngoài đánh thẳng vào lương tháng, để người lao động hưởng luôn phần tiền đó thì các doanh nghiệp trong nước lại có xu hướng giữ lại một phần để gom vào trả thưởng cuối năm.
Về phía người lao động, không phải ai cũng nhận ra thực tế đó, nên luôn có tư tưởng sai lầm, cho rằng mình mang ơn doanh nghiệp nhờ khoản thưởng to. Điều đó vô tình đẩy chính người lao động vào thế yếu, chịu sự ban ơn của lãnh đạo, mong chờ tiền thưởng như một đặc ân thay vì nghĩ rằng đó là thứ vốn thuộc về mình.
Vậy câu hỏi là làm thế nào thì tốt hơn? Tôi cho rằng, nên bỏ quan niệm thưởng Tết xưa cũ để hội nhập với thế giới. Hãy nhìn các doanh nghiệp nước ngoài, dù chẳng có thưởng Tết nhưng với mức lương đãi ngộ rất cao hàng tháng, họ vẫn thu hút được nhân tài, vẫn kích thích được tinh thần làm việc của nhân viên suốt cả năm. Trong khi các doanh nghiệp theo lối mòn thưởng Tết cao lại đẩy các nhân viên của mình vào thế bị động, tinh thần rã đám, chờ thưởng mỗi dịp cuối năm. Điều đó rõ ràng không có lợi cho bản thân doanh nghiệp lẫn người lao động.
Tổng Hợp