Theo Ngân hàng Nhà nước , số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong 2 quý gần đây. Tiền sẽ nằm ngủ yên ở ngân hàng hay có chịu nắn dòng chảy vào chứng khoán, bất động sản.
Đặc biệt, chỉ tính riêng quý I năm nay, số dư này đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán của người dân vượt mốc 1 triệu tỷ. Nếu so với quý I/2021, số dư tiền gửi này hiện đã cao hơn tới 40%, tương đương mức tăng ròng gần 300.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 năm.
Âu cũng có lẽ vì nhìn thấy số tiền đang nằm ngủ đông tại ngân hàng, mà các chủ đầu tư bất động sản đang có xu hướng thay đổi sản phẩm và chiến lược kinh doanh mới nhằm kéo nhà đầu tư đổ tiền vào. Từ Bắc đến Nam, hàng loạt chiêu thức tìm đủ cách tạo sự hấp dẫn.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho biết: “Nếu quan sát thị trường từ năm 2016, đến năm 2019 chúng tôi đã có những lo lắng hơn mức bình thường, nhưng không ngờ những năm 2020-2021 lập mặt bằng giá mới ở một số khu vực do bản thân nó có tiềm lực, hạ tầng phát triển”.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư bất động sản, thị trường hiện tại nguồn cung thấp, giá bán còn cao nên thanh khoản đang hạn chế. Phân khúc cao cấp đối với các đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội.
Phân khúc thị trường trung cấp dành cho những đối tượng trẻ từ dưới 30-35 đang có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này hạn chế hoặc rất ít sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của họ vì nguồn cung vướng pháp lý. Vì vậy, dòng tiền sẽ nằm ở các sản phẩm cao cấp, nhóm sôi động nhất chỉ nằm ở các nhà đầu tư có tài chính mạnh.
Tại Hà Nội, giữa năm 2022, một tập đoàn BĐS lớn đã làm thị trường xôn xao khi cho ra mắt dự án tại Hưng Yên với sự đầu tư khủng về hạ tầng, cảnh quan. Theo đó, sản phẩm liền kề, biệt thự tại đây cũng có giá từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Những đợt mở bán tại dự án, hàng nghìn nhà đầu tư xếp hàng để chọn căn. Tuy nhiên, soi kỹ mới thấy, chỉ sau lần cọc đóng tiền đầu tiên, giao dịch thị trường yếu hẳn. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn thừa nhận chỉ muốn mua để “lướt sóng” cho nên khi chủ đầu tư yêu cầu vào tiền tiếp đợt 2, họ đã cạn túi để nộp tiền.
Bất động sản dù được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhưng trên thị trường đã có không ít nhà đầu tư gặp rủi ro, mất tiền chỉ vì chạy theo đám đông, đầu tư theo cảm xúc và nghe theo lời giới thiệu của môi giới mà không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi “xuống tiền”. Hơn nữa, sau thời gian sôi động, thị trường bất động sản hiện nay đã bước vào giai đoạn mới. Do đó, nếu còn tư duy người mua chưa mua đã mong bán lãi, người chưa sở hữu đã thèm lướt sóng, thị trường rất khó ổn định và bền vững.
Trong 2-3 năm qua, đa phần nhà đầu tư đều mua bất động sản theo thông tin quy hoạch, dự án, nhưng hiện nay, những thông tin đó bị các đội đầu cơ làm sóng, thổi giá, do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu tại khu vực, vị trí đấy có tiếp tục được triển khai xây dựng hạ tầng không. Chỉ khi được triển khai, giá bất động sản mới có lý do tăng giá.
Tổng Hợp