Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 26 ngân hàng trong nước, tổng mức dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong năm 2021 đạt 141.802 tỷ đồng, tăng đến 57,4% so với cùng kì năm trước.
TOP 10 ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao nhất gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, VPBank, MB, SHB, ACB, Sacombank, Techcombank và LienVietPostBank. Tổng mức trích lập của các ngân hàng này đạt 123.903 tỷ đồng, chiếm 87,4% tổng trích lập của các nhà băng được thống kê.
Trong đó, BIDV là ngân hàng có mức trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất năm 2021 với 29.055 tỷ đồng, tương đương tăng gần 52,5% so với cùng kỳ.
Đứng thứ hai về mức trích lập dự phòng là Vietcombank với 25.976 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm, ngân hàng đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 - sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với mức 424%.
Một "ông lớn" khác là VietinBank cũng đã tăng cường trích lập dự phòng trong năm vừa qua. Số dư dự phòng rủi ro cho vay của ngân hàng tăng gấp đôi với 25.795 tỷ đồng, giúp VietinBank đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng.
Tại Hội nghị "Tổng kết công tác Đảng, tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022", lãnh đạo ngân hàng cho biết VietinBank đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo hướng thận trọng, nhằm chủ động ứng phó với những khó khăn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 171%, cao hơn so với năm 2020. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc Vietinbank đẩy mạnh hoạt động trích lập dự phòng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhưng điều này tạo ra bộ đệm và nhiều khả năng sẽ làm cho ngân hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Xét về con số tương đối, trong số 25 nhà băng ghi nhận tăng trưởng trích lập dự phòng so với cùng kỳ, VPBank là ngân hàng có mức tăng cao nhất với mức trích lập tăng 115% so với năm ngoái.
Một số ngân hàng khác cũng có trích lập dự phòng tăng mạnh so với cùng kỳ như VietinBank (105%), MB (101%), MSB (100%), ...
Đáng chú ý, trong nhóm ngân hàng khảo sát chỉ có một ngân hàng giảm trích lập dự phòng so với cùng kỳ là TPBank với 1.765 tỷ đồng trích lập dự phòng, giảm 7,4% so với cùng kỳ.
Báo cáo mới đây của BVSC cho biết trong năm TPBank đã tích cực xóa nợ xấu, nâng số dư xóa nợ năm 2021 lên 2.919,6 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp ngân hàng có thể hoàn nhập, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Chi phí dự phòng trong quý IV của ngân hàng cũng dịu lại ở mức 599,6 tỷ, giảm 7% so với cùng kỳ sau khi quyết liệt trích lập trong 9 tháng đầu năm.
Tổng Hợp