Tuy nhiên, liệu Mỹ có thể đạt được một hoặc hai mục tiêu trên hay không vẫn là một câu hỏi đang được đặt ra. Trong vòng 2 tuần qua, Mỹ đã tung ra một loạt hành động nhằm vào Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc để gửi một thông điệp rõ ràng tới gã khổng lồ châu Á. Mỹ cần chờ thời cơ của mình.
Mỹ cuối cùng đang “xoay trục” về châu Á. Ảnh minh họa. |
Dần dần, các biện pháp đó cấu thành sự phản kháng thực sự. Họ bắt đầu từ các tuyên bố hùng hồn và đến tuần qua, Washington đã lên gân trong các lĩnh vực hàng hải, tư pháp, công nghệ và nhân quyền. Cuộc đấu giành vị thế dẫn đầu đã thực sự bắt đầu.
Những người nói rằng cuộc Chiến tranh Lạnh mới là không thể xảy ra trong một thế giới kết nối lẫn nhau phải cân nhắc lại quan điểm của họ bởi một thứ gì đó giống như vậy đang dần hình thành. Mỹ đã thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), lên án Bắc Kinh xâm nhập biên giới Ấn Độ, lôi kéo được Anh ngăn chặn Huawei và chỉ trích hành động bắt giam người Duy Ngô Nhĩ.
Bất luận những gì nhiều nhà phân tích nhắc đến, ngay cả khi nếu Tổng thống Donald Trump tận dụng cuộc tranh luận để nhấn mạnh rằng ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden rất yếu ớt với Trung Quốc thì đó không hẳn là liên quan đến bầu cử. Chính một tổng thống đảng Dân chủ đã cho phép Trung Quốc bước vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để rồi các tổng thống Cộng hòa và Dân chủ kế nhiệm đã không thể buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước các hành vi thương mại của họ.
Cuối cùng, cuộc bầu cử tháng 11 tới là tập hợp của cuộc đấu tranh lớn hơn để duy trì ưu thế vượt trội của Mỹ và đảng Dân chủ biết rõ điều đó. Và họ sẽ cũng đấu tranh vì lý tưởng đó ngay cả khi theo những cách khá khác biệt. Cả hai đảng đều đồng tình rằng Trung Quốc đang quyết tâm đánh bật Mỹ khỏi vị trí số 1 trong trật tự thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ngày 29/6/2019 bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản). Reuters/Kevin Lamarque |
Trump vẫn thường nói rằng “không một chính quyền nào cứng rắn với Trung Quốc hơn chính quyền hiện nay”. Ông đã tuyên bố như vậy một lần nữa hôm 14/7 khi thông báo về các biện pháp mới gây bất lợi cho Hong Kong.
Ông đã đúng nếu xét đến các thực tế. Chính sách “xoay trục sang châu Á” trên thực tế đã chuyển thành chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa hơn dưới thời chính quyền của ông và cuối cùng đã thu được một số thành tựu, có thể do bản chất của ông hoặc nhờ một số quan chức chủ chốt trong Nhà Trắng từng sống ở Trung Quốc và “cảm nhận” được Trung Quốc, hoặc bởi sự “vượt quá tầm với” của Tập Cận Bình .
Trong tuần qua, Trump đã ký ban hành Đạo luật Tự trị Hong Kong, theo đó áp đặt các lệnh trừng phạt bắt buộc với các doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ Trung Quốc trong việc kiềm chế quyền tự trị của Hong Kong. Ông cũng ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố rằng Mỹ sẽ coi Hong Kong giống như Trung Quốc Đại lục. Một điều đáng chú ý là dự luật này đã được nhất trí thông qua bởi Quốc hội Mỹ, điều cho thấy quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc ra sao. Luật này nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của lưỡng đảng. Trong một bối cảnh chính trị phân cực như vậy, điều này là một thành tựu quan trọng.
Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp” và “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của họ”. Đây chắc chắn là lời lẽ tuyên chiến. Đó cũng là sự khẳng định rõ ràng và thẳng thắn nhất về phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye trong vụ kiện mà Philippines đệ trình phản đối Trung Quốc năm 2013.
Trực thăng hải quân Mỹ hạ cánh trên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Điều này đồng nghĩa rằng Mỹ thẳng thừng bác bỏ mọi tuyên bố của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh các đá nhỏ và các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc đã xây dựng trong thập kỷ qua. Washington đã đặt mình vào vị trí hành động nếu cần, nhưng quan trọng hơn là nếu các nước có yêu sách khác cần sự trợ giúp. Đây là một bước tiến nếu xét về mặt chính sách.
Cùng lúc đó, Hải quân Mỹ đang tiến hành thêm các “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP), như chiến dịch hôm 14/7 gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Mặc dù FONOP đã được khởi động từ năm 2015 dưới thời chính quyền Obama, nhưng chính quyền Trump đang tiến hành thêm nhiều chiến dịch hơn nữa.
Với Ấn Độ, cả ông Pompeo và các nghị sĩ Quốc hội đều ủng hộ nước này một cách công khai và bí mật, sau vụ Trung Quốc xâm nhập Đường ranh giới kiểm soát (LOC). Ông Pompeo cho biết ông và Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thường xuyên trao đổi với nhau. Ông nói: “Chúng tôi đã bàn về nguy cơ nổi lên từ cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc tại đó”. Ông đã nhắc đến quyết định của Ấn Độ cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc. Mỹ cũng đang cân nhắc cấm TikTok.
Tuần trước, ông Pompeo đã phát biểu với Fox News rằng ông đang nhìn nhận vấn đề các ứng dụng Trung Quốc “một cách nghiêm trọng” và cảnh báo mọi người rằng nếu họ tải ứng dụng đó, các thông tin cá nhận của họ có thể bị rơi vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện Công ty ByteDance của Trung Quốc là chủ sở hữu của TikTok.
Hiện Công ty ByteDance của Trung Quốc là chủ sở hữu của TikTok. Ảnh minh họa. |
Liệu có phải các xu hướng đều đang chống lại Trung Quốc như ông Pompeo khẳng định trong cuộc họp báo hôm 15/7 hay không? Quyết định của Anh về việc cấm nhà khổng lồ Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G từ tháng 1 tới và loại bỏ các thiết bị hiện hành vào năm 2027, đảo ngược lại chính sách trước đây, là dấu hiệu cho thấy quan điểm của họ đã thực sự thay đổi.
Sức ép bền bỉ từ Washington, sự phản kháng trong chính đảng Bảo thủ về vấn đề an ninh và cuối cùng là hành động của Trung Quốc ở Hong Kong đã buộc Thủ tướng Boris Johnson phải hành động.
Về phần mình, Mỹ đã cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei hồi năm ngoái và thắt chặt hơn nữa các quy định vào tháng 5 để ngăn cấm bán chất bán dẫn của Mỹ cho công ty này, điều mà Washington cho là chứa đựng rủi ro an ninh.
Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt hạn chế visa với một số nhân viên của các công ty công nghệ Trung Quốc cung cấp thiết bị hỗ trợ các chế độ vi phạm nhân quyền. Đó chính là sắc lệnh chủ yếu nhằm vào chế độ Trung Quốc.
(Nguồn TTXVN)