TP.HCM giải ngân đầu tư công được 45.866 tỷ đồng, hoàn thành 67% chỉ tiêu

Năm 2023, TP.HCM được phân bổ một tổng vốn đầu tư công lên đến 68.000 tỷ đồng. Tính đến 12/1/2024, số vốn đã được giải ngân đạt 45.866 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 67% so với tổng số vốn được giao.

Sáng 13/1, TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Theo ông Mãi, công tác giải ngân đầu tư công được Ban thường vụ Thành ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, số vốn được giao trên 68.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng số vốn đầu tư công của cả nước.

Tính đến ngày 12/1/2024, TP.HCM đã giải ngân được 45.866 tỷ đồng, chiếm 67%. "Tuy tỷ lệ giải ngân chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đây là kết quả đáng ghi nhận", ông Mãi nói.

TP.HCM giải ngân đầu tư công được 45.866 tỷ đồng, hoàn thành 67% chỉ tiêu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để đạt được kết quả này, các đơn vị đã rất nỗ lực, đặc biệt khối quận huyện, TP Thủ Đức với 21 đơn vị trên 90%. Trong đó có 16 đơn vị giải ngân trên 95%. Khối sở ngành có 20 đơn vị giải ngân đầu tư công trên 95%, 12 đơn vị giải ngân từ 80 - 95%.

“Giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư là nhiệm vụ khó khăn của các quận huyện. Bên cạnh đó phải phụ trách dự án của mình, nhưng có 21/22 đơn vị giải ngân trên 90%”, ông Mãi chia sẻ.

Ngoài những đơn vị làm tốt nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, ông Mãi cho rằng còn khá nhiều đơn vị tỷ lệ giải ngân thấp và còn nhiều hạn chế nhiệm vụ đầu tư công. Ông Mãi đề nghị nghiêm túc đánh giá đầy đủ các vướng mắc khó khăn, tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2023 và bàn trọng tâm nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Ông Mãi đề xuất đánh giá cẩn thận các vướng mắc và hạn chế trong quá trình triển khai nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2023 và đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cho năm 2024.

Trong số các phần việc cần tập trung trong năm 2024, Chủ tịch TP.HCM đặt vấn đề xử lý các nhà thầu yếu kém năng lực, chây ì, vi phạm hợp đồng. Thời gian qua, tình trạng này diễn ra tại các dự án của thành phố, trong đó có cả dự án ODA (vốn nước ngoài) và cả dự án đầu vốn đầu tư công.

"Chúng ta đã xử lý trách nhiệm cơ quan hành chính, xử lý cán bộ đứng đầu, chủ đầu tư. Bây giờ, chúng ta cần xử lý các bên liên quan, kể cả phía nhà thầu làm ảnh hưởng tiến độ dự án", ông Mãi quán triệt.

Theo ông Mãi, vấn để thủ tục đầu tư các dự án cũng là một trong những lý do kéo dài thời gian thực hiện, cản trở giải ngân đầu tư công. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần bàn về cách điều chỉnh, thay đổi nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án.

"Khi có chủ trương, xây dựng đề án, phê duyệt đề án, triển khai dự án mất rất nhiều thời gian. Chúng ta cần xem có thể rút ngắn quy trình, thủ tục nào. Nhưng trên hết, cần điều chỉnh tinh thần trách nhiệm và tập trung thực hiện thì mới đạt được kết quả", Chủ tịch TP.HCM bày tỏ.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị các đơn vị nêu khó khăn, vướng mắc trong thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất và việc xác định giá đất bồi thường tiệm cận với giá thị trường. Điều này nhằm tạo sự đồng thuận cao cho người dân, đặc biệt đối với đất xen cài trong đất nông nghiệp, theo VTC News.

Chủ tịch TP.HCM nêu rõ rằng tỷ lệ giải ngân đã giảm dần theo các quý, và do đó, quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất bằng quý 1/2021 là 12%, phấn đấu 12-15% trong quý 1/2024. Ông Mãi kết luận: "Chúng ta cần tìm giải pháp và bắt tay thực hiện ngay từ đầu năm".

AN LY (tổng hợp)