Cô gái 17 tuổi giành giải International Children’s Peace Prize 2024 vì những đấu tranh cho trẻ em gái tại Afghanistan

Ibrahimi được vinh danh vì “công việc dũng cảm đấu tranh cho quyền của trẻ em gái” tại Afghanistan, nơi mà phụ nữ đang bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất.

Nila Ibrahimi, cô gái 17 tuổi người Afghanistan vừa giành được Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế (International Children’s Peace Prize) năm 2024 vì những nỗ lực dũng cảm trong việc đấu tranh cho quyền của phụ nữ, đặc biệt là quyền được lên tiếng và thể hiện bản thân của trẻ em gái. Giải thưởng được trao vào ngày 19 tháng 11 năm 2024 tại De Nieuwe Kerk, Amsterdam, Hà Lan. Đây là một sự kiện đánh dấu kỷ niệm 20 năm của giải thưởng, nhằm tôn vinh những nỗ lực xuất sắc của các nhà hoạt động trẻ vì quyền trẻ em trên toàn thế giới

Ở tuổi 17, Nila Ibrahimi đã làm được điều mà nhiều người trưởng thành mơ ước: được quốc tế công nhận vì những đóng góp cho xã hội. Vượt qua sự cạnh tranh gay gắt từ 165 người được đề cử từ 47 quốc gia trên toàn thế giới, cô gái trẻ đã giành được Giải thưởng Hòa bình Trẻ em Quốc tế, một giải thưởng danh giá từng được trao cho những nhà hoạt động nổi tiếng như Greta Thunberg và Malala Yousafzai. Ibrahimi được vinh danh vì “công việc dũng cảm đấu tranh cho quyền của trẻ em gái” tại Afghanistan, nơi mà dưới sự cai trị của Taliban, phụ nữ đang bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất.

Nila Ibrahimi
Nila Ibrahimi

Khi Taliban tiến vào Kabul và giành quyền kiểm soát Afghanistan vào năm 2021, Ibrahimi mới 15 tuổi. Sự kiện này đánh dấu sự trở lại của chế độ thần quyền sau 20 năm Mỹ và đồng minh hiện diện tại quốc gia này. Nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức 30 Birds, Ibrahimi và gia đình đã may mắn thoát khỏi Afghanistan, trước tiên là đến Pakistan, sau đó định cư tại Canada.

Trước khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021, Ibrahimi đã dũng cảm lên tiếng chống lại lệnh cấm hát ở nơi công cộng đối với nữ sinh. Cô tự quay video mình hát và nhờ anh trai đăng tải lên mạng xã hội. Chiến dịch “IAmMySong” (Tôi Là Bài Hát Của Tôi) nhanh chóng lan rộng, thu hút sự chú ý của dư luận và buộc chính quyền phải bãi bỏ lệnh cấm chỉ sau vài tuần. “Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng nếu tôi thực sự muốn điều gì, nếu tôi tin rằng đó là cách tôi muốn sống, tôi có thể lên tiếng và tiếng nói đó có thể được lắng nghe”, Ibrahimi chia sẻ.

Tuy nhiên, cuộc sống của Ibrahimi đã thay đổi hoàn toàn khi Taliban chiếm đóng Kabul. Với sự hỗ trợ của Tổ chức 30 Birds, cô và gia đình đã phải chạy trốn khỏi quê hương, đầu tiên là đến Pakistan và sau đó là Canada. Tại đây, Ibrahimi tiếp tục đấu tranh cho quyền của trẻ em gái Afghanistan. Cô đồng sáng lập dự án “Her Story” (Câu chuyện của Cô ấy), khuyến khích các cô gái Afghanistan chia sẻ câu chuyện của họ, góp phần nâng cao tiếng nói của những người vẫn còn đang sống dưới ách thống trị của Taliban.

Phụ nữ Afghanistan đang chế biến hạnh nhân tại một nhà máy ở ngoại ô Aybak thuộc tỉnh Samangan vào ngày 9 tháng 9 năm 2024. Atif Aryan/AFP/Ảnh: Getty
Phụ nữ Afghanistan đang chế biến hạnh nhân tại một nhà máy ở ngoại ô Aybak thuộc tỉnh Samangan vào ngày 9 tháng 9 năm 2024. Atif Aryan/AFP/Ảnh: Getty

Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những cô gái bị bỏ lại ở Afghanistan, không còn hy vọng. Ở Canada, tôi được tự do quyết định cuộc sống của mình, được là chính mình, nhưng còn họ thì sao?”, Ibrahimi trăn trở trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Geneva về Nhân quyền và Dân chủ năm ngoái.

Sự cai trị hà khắc của Taliban đã đẩy phụ nữ Afghanistan trở lại bóng tối. Trẻ em gái trên 12 tuổi không được đến trường, phụ nữ không được phép đi làm, không được nói chuyện nơi công cộng và phải che kín toàn thân khi ra ngoài. Họ bị tước đoạt quyền tiếp cận các dịch vụ công cộng như công viên, phòng tập thể dục và thậm chí không thể đi lại tự do. Những hạn chế này là một bước lùi nghiêm trọng đối với quyền tự do mà phụ nữ Afghanistan đã giành được trong hơn hai thập kỷ qua.

Cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm nhân quyền của Taliban, đặc biệt là đối với phụ nữ. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Afghanistan, Richard Bennett, đã bị Taliban cấm cửa vì dám lên tiếng bảo vệ nhân quyền. Nhiều quốc gia đã cáo buộc Taliban vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Nila đã vượt qua sự cạnh tranh từ 165 người được đề cử từ 47 quốc gia trên toàn thế giới để giành Giải thưởng Hòa bình Trẻ em Quốc tế danh giá
Nila đã vượt qua sự cạnh tranh từ 165 người được đề cử từ 47 quốc gia trên toàn thế giới để giành Giải thưởng Hòa bình Trẻ em Quốc tế danh giá

Sau khi nhận được Giải thưởng Hòa bình Trẻ em Quốc tế danh giá, Nila phát biểu: "Việc giành được Giải thưởng Hòa bình Trẻ em Quốc tế đồng nghĩa với việc tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan sẽ lan toả khắp thế giới. Tất cả chúng ta phải tiếp tục tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho họ trong thời khắc đen tối nhất."

Marc Dullaert, Người sáng lập và Chủ tịch của Quỹ KidsRights, cho biết: "Phụ nữ và trẻ em gái trên khắp Afghanistan hiện đang phải đối mặt với sự áp bức không thể chịu đựng nổi. Lệnh cấm đi học sau bậc tiểu học đối với trẻ em gái đã dẫn đến việc 80% trẻ em gái Afghanistan không được đến trường, một con số khổng lồ lên tới 2,5 triệu người. sự đấu tranh đầy cảm hứng của Nila trong việc mang đến cho họ tiếng nói sẽ được lắng nghe trên toàn thế giới, cô ấy thực sự xứng đáng với Giải thưởng Hòa bình Quốc tế lần thứ 20 năm nay."

Giải thưởng Hòa bình Trẻ em Quốc tế mà Ibrahimi nhận được không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của Nila mà còn là lời kêu gọi tới cộng đồng quốc tế hãy chung tay hành động để bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn thế giới. Câu chuyện của Nila Ibrahimi cũng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của bình đẳng giới và sự cần thiết phải đấu tranh cho quyền của phụ nữ. 

PV (Lược dịch theo CNN)

Bộ VHTTDL đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới trong gia đình trên truyền thông đại chúng

Bộ VHTTDL đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới trong gia đình trên truyền thông đại chúng

Cụ thể, Kế hoạch sẽ tuyên truyền các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.