PGS.TS Phạm Thị Vân Anh: Học trò là con nông dân hay bộ trưởng đều đối xử công bằng

"Với tôi, các em đều được đối xử công bằng, dù là con nông dân hay con bộ trưởng" - PGS.TS Phạm Thị Vân Anh tâm sự.

Cô giáo được sinh viên yêu thích “bền vững”

Chiều qua, 19/11, PGS.TS Phạm Thị Vân Anh (Trưởng bộ môn Dược lý, Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng Trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN), lại được trao giải “Giảng viên được sinh viên bình chọn”. Đây là lần thứ 14 cô nằm trong Top 5 giảng viên được sinh viên bình chọn nhiều nhất - một danh hiệu không phải giảng viên nào cũng có.

Là giảng viên cao cấp, nhiều năm qua, cô Phạm Thị Vân Anh đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, học viên của Trường ĐHYHN.

PGS.TS Phạm Thị Vân Anh
PGS.TS Phạm Thị Vân Anh

“Tôi thuộc tuýp người cổ điển nên khá nghiêm khắc, với cả sinh viên và với chính mình. Dược lý là một môn khó, nên tôi phải thường xuyên tự cập nhật kiến thức. Vất vả nhưng mở ra nhiều điều mới mẻ và thú vị.

Với kiến thức phong phú trong đầu, cùng với niềm đam mê, khát khao chinh phục mọi thứ, tôi luôn mang vào từng giờ giảng, mong muốn truyền lửa cho học trò. Mỗi lần nhìn thấy sinh viên ngồi nghe như nuốt từng lời là bao vất vả, mệt mỏi trong tôi lại tan biến, vì tôi hiểu những điều mình giảng thực sự có ý nghĩa với học trò” - PGS Phạm Thị Vân Anh tâm sự.

“Là người nghiêm khắc với sinh viên, nhưng vì sao cô vẫn được sinh viên yêu thích đến thế?” - nghe tôi hỏi, cô Vân Anh cười: Tôi yêu trò, yêu nghề và rất tự hào với chuyên ngành Dược lý. Vì vậy, càng gắn bó với công việc giảng dạy, tôi càng yêu nghề hơn, khao khát tình yêu đó được lan tỏa trong các thế hệ sinh viên, học viên của mình. Với tôi, các em đều được đối xử công bằng, dù là con nông dân hay con bộ trưởng.

“Phương châm của tôi là “việc khó biến thành dễ, dễ thành không có gì”, làm sao để sinh viên nắm được logic của vấn đề, dễ hiểu dễ nhớ” - PGS Vân Anh chia sẻ.

Cùng với giảng dạy cho sinh viên, PGS Phạm Thị Vân Anh còn hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ, bác sĩ nội trú, thạc sĩ... Trong đó, nhiều đề tài nghiên cứu phát triển thuốc mới đã được ứng dụng thành công. Chị còn chủ biên và viết sách giáo trình, tài liệu tham khảo và có nhiều chương sách giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo xuất bản trong nước và quốc tế.

Không chỉ là một nhà giáo mẫu mực về cả kiến thức lẫn phẩm cách, PGS. Phạm Thị Vân Anh còn là một nhà khoa học gắn với nhiều công trình nghiên cứu, đặc biệt là về thuốc điều trị và vaccine COVID-19.

Niềm hy vọng giữa đại dịch COVID-19

Những năm đại dịch COVID-19, tên tuổi của PGS Phạm Thị Vân Anh và Trung tâm Dược lý lâm sàng mà chị làm Giám đốc nổi như cồn cả trong nước và quốc tế, vì hàng loạt thử nghiệm thuốc điều trị và vắc xin COVID-19. Bởi những nghiên cứu của Trung tâm mang tính quyết định đánh giá sự an toàn, hiệu quả của thuốc mới, để đưa vào sử dụng hay không.

Mỗi lần tiêm tiêm thử vắc xin COVID-19 ở Trung tâm Dược lý lâm sàng đều có sự theo sát của lãnh đạo Bộ Y tế và Trường ĐHYHN
Mỗi lần tiêm tiêm thử vắc xin COVID-19 ở Trung tâm Dược lý lâm sàng đều có sự theo sát của lãnh đạo Bộ Y tế và Trường ĐHYHN

Năm 2021, PGS Vân Anh cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha II, III thuốc điều trị COVID-19 của tập đoàn Shionogi Nhật Bản cho 750 bệnh nhân COVID-19. Giữa lúc dịch hoành hành dữ dội, công việc này rất nguy hiểm, nhưng PGS. Vân Anh vẫn hoàn thành xuất sắc nghiên cứu, góp phần để thuốc được Nhật Bản cấp phép vào tháng 11/2022, mang lại hy vọng cho nhân loại.

PGS Phạm Thị Vân Anh cũng được tin cậy giao chủ trì thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 ARCT-154. Đây là nghiên cứu có tầm cỡ, quy mô quốc tế, cũng là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin đầu tiên Trường ĐHYHN tham gia trọn vẹn các công đoạn.

Gần 10.000 người được tuyển chọn và tham gia vào cả 3 pha nghiên cứu. Suốt quá trình triển khai, nhiều đoàn giám sát độc lập quốc tế đến giám sát chất lượng nghiên cứu, đã đánh giá cao hiệu quả của Trung tâm. Con số >90% đối tượng tham gia nghiên cứu duy trì đến tận lúc kết thúc nghiên cứu là một tỉ lệ xuất sắc mà các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên thế giới rất khó đạt được.

Tháng 8/2023, Cơ quan quản lý dược phẩm Nhật Bản PMDA - cơ quan quản lý dược phẩm uy tín trên thế giới - khi xem xét cấp phép cho vắc xin, đã đánh giá rất cao chất lượng cũng như hiệu quả của nghiên cứu.

Cũng trong giai đoạn nóng bỏng của đại dịch, lại đang áp lực trong thử nghiệm vaccine ARCT154, PGS Phạm Thị Vân Anh lại nhận nhiệm vụ khẩn cấp từ Bộ Y tế: Thử nghiệm vắc xin Covid-19 khác của công ty Shionogi Nhật Bản.

Đây không chỉ là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thông thường, mà còn mang ý nghĩa xã hội, chính trị và ngoại giao trong giai đoạn dịch căng thẳng. Nhưng PGS Vân Anh cùng đồng nghiệp đã tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo an toàn an ninh vắc xin.

Chỉ chưa đầy 3 tháng, các nhóm nghiên cứu của chị đã tuyển, sàng lọc và tiêm được 5.240 đối tượng ở gần 10 tỉnh trên khắp đất nước. Các nghiên cứu thử nghiệm vắc xin đã diễn ra hết sức an toàn.

Các đoàn giám sát độc lập quốc tế giám sát suốt thời gian triển khai nghiên cứu và đánh giá chất lượng nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay hồ sơ kết quả đang được đệ trình xin cấp phép tại PMDA.

Cũng trong thời khắc gian khó ấy, PGS. Vân Anh còn được giao thử nghiệm lâm sàng pha I vắc xin Covivac. Đây là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin đầu tiên Trường ĐHYHN trực tiếp thực hiện trong bối cảnh tối khẩn để có nguồn vắc xin trong nước, góp phần đảm bảo tự chủ vắc xin theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chỉ trong 5 ngày đã có hơn 3.000 người tình nguyện được sàng lọc và tuyển chọn được 120 đối tượng đạt yêu cầu khắt khe tham gia thử nghiệm giai đoạn đầu tiên vắc xin sử dụng trên người. Nghiên cứu đã diễn ra an toàn tuyệt đối, dưới sự giám sát độc lập của tổ chức Path và được đánh giá cao về chất lượng, tiến độ triển khai.

Góp phần phát triển y học truyền thống

Song song với thử nghiệm lâm sàng thuốc và vắc xin, PGS Vân Anh còn chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu dược lý cơ bản và thực nghiệm, như đánh giá độc tính, khảo sát tác dụng dược lý của các dược liệu và bài thuốc y học cổ truyền như chống viêm, hạ mỡ máu, điều trị tiểu đường, loét dạ dày, trị bỏng, viêm gan… Đây là thế mạnh của Việt Nam trong phát triển thuốc mới.

PGS. Vân Anh cho biết: Nhiều sản phẩm nghiên cứu đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng như: Thuốc dược liệu Dilala, thuốc cổ truyền Thống phong Bà Giằng, Dạ dày Bà Giằng, hoạt huyết Nhất Nhất, Xương khớp Nhất Nhất, SunKovir Sao Thái Dương,… và các thực phẩm chức năng: Livganic, tràng phục linh plus, Bình vị Thái Minh, Cây Đa Sao Thái Dương, Bách niên Sao Thái Dương, Rocket 1 giờ,…

Chỉ từ 2020-2023, giữa đại dịch nhưng PGS Vân Anh và cộng sự đã công bố hơn 100 công trình khoa học trong nước và quốc tế, cho thấy nỗ lực rất lớn của chị.

Với trình độ chuyên môn cao, PGS Vân Anh được lựa chọn là thành viên Hội đồng đạo đức và Hội đồng tư vấn thuốc của Bộ Y tế, góp phần hỗ trợ Cục Quản lý Dược thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, hồ sơ lâm sàng vắc xin, sinh phẩm y tế, đồng thời, tham gia tư vấn chuyên môn, xây dựng một số thông tư, hướng dẫn về nghiên cứu phát triển thuốc và sử dụng thuốc.

PGS.TS Phạm Thị Vân Anh (trái) trao đổi với đồng nghiệp về diễn tiến thử nghiệm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm
PGS.TS Phạm Thị Vân Anh (trái) trao đổi với đồng nghiệp về diễn tiến thử nghiệm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, chị cùng Trung tâm được Bộ Y tế tín nhiệm giao thẩm định khẩn cấp để xem xét cấp phép cho các vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, đảm bảo phục vụ chống dịch. Đây là nhiệm vụ khó khăn, áp lực cao khi cùng lúc vừa phải đúng quy trình của WHO, FDA, EMA, vừa phải đảm bảo tiến độ trong thời gian rất ngắn để có nguồn vắc xin và thuốc sớm nhất phục vụ chống dịch, nhưng chị và đồng sự đã vượt qua.

Bằng khen của Thủ tướng và nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT trao tặng PGS.TS Phạm Thị Vân Anh là những ghi nhận nỗ lực của chị trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thanh Hằng/Viettimes

Nữ giáo sư Hóa học được bổ nhiệm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM

Nữ giáo sư Hóa học được bổ nhiệm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, 50 tuổi trở thành nữ Phó Giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia TPHCM.