Trích lập dự phòng và phía sau tấm màn của Ngân hàng

Cần phải đặt con số lợi nhuận trong bối cảnh trích lập dự phòng để "đo đếm" sức khoẻ thực sự của khu vực ngân hàng nhất là khi những nghi ngại về dòng tiền trên thị trường bất động sản và chứng khoán gia tăng.

Nhiều ngân hàng gần đây đã công bố kết quả lợi nhuận quý 1/2021 với những con số ấn tượng. Chẳng hạn ACB công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái. MB cũng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý 1/2021 với con số gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ và đạt tới 43% kết quả của năm 2020. Đáng chú ý, MSB cũng ước tính lãi quý 1/2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Không chỉ vậy, nhiều "ông lớn" trong ngành là Vietcombank, Vietinbank cũng đạt những kết quả khả quan trong quý đầu năm...

Mặc dù vậy, bức tranh lợi nhuận ngân hàng vẫn không quá lạc quan bởi mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2021 được so sánh trên nền lợi nhuận thấp của năm 2020 khi các ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Điều tương tự khi nói về mức tăng trưởng GDP kỳ vọng 7% trong năm 2021 khi so sánh với mức tăng 2,91% của năm 2020.

Trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, một số ngành nghề như bất động sản, xuất nhập khẩu... có cơ hội hồi phục mạnh mẽ. Nhờ đó, những ngân hàng có khách hàng tốt sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi đó nhanh hơn các ngân hàng khác. Vì vậy, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có ngân hàng còn tăng gấp vài lần.

Nhưng phải nói rằng, lợi nhuận của ngân hàng phần lớn phụ thuộc vào trích lập dự phòng rủi ro.

Cũng cần phải xem xét chất lượng lợi nhuận của khu vực ngân hàng thương mại. Đó là lợi nhuận đến từ đâu, tỷ trọng bao nhiêu. Hoạt động tự doanh chứng khoán của các ngân hàng trong thời gian gần đây đóng góp như thế nào vào kết quả kinh doanh quý 1/2021. Trong mấy tháng qua, thị trường bất động sản và chứng khoán cùng tăng mạnh, nếu tín dụng chủ yếu quý 1/2020 dồn cho hai mảng này thay vì cho sản xuất kinh doanh thì ẩn chứa nhiều rủi ro không chỉ cho cả ngành tài chính nói riêng mà cả nền kinh tế nói chung.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, quy định trên sẽ gây áp lực lên một số ngân hàng có dư nợ cơ cấu lớn như BIDV, HDBank, VPBank…

Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, áp lực trích lập dự phòng chỉ chủ yếu với một số ngân hàng có tiềm lực tài chính và khách hàng yếu, còn với các ngân hàng lớn, dù dư nợ cơ cấu nhiều, song áp lực lại không đáng kể.

Đơn cử, tại VPBank, dù dư nợ cơ cấu lớn, song tính đến cuối năm 2020, hầu hết khách hàng cơ cấu nợ đã trở lại trạng thái bình thường. Ngoài ra, thời gian trích lập dự phòng được giãn tới 3 năm, đủ dài cho nền kinh tế phục hồi, đảm bảo số khách hàng còn lại cải thiện khả năng trả nợ. Chính vì vậy, theo ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối quản trị rủi ro của VPBank, việc áp dụng trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu, nhưng lại giãn tới 3 năm không tạo áp lực với VPBank.

Trong khi đó, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cũng cho hay, trong số dư nợ cơ cấu của BIDV, khách hàng doanh nghiệp lớn hơn 49%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 37% và cá nhân chỉ chiếm 3%. Trong khi đó, khách hàng doanh nghiệp đang có sự phục hồi mạnh. Cũng theo dự báo của Chủ tịch BIDV, dư nợ cơ cấu năm 2021 sẽ không tăng đáng kể, do nền kinh tế đang phục hồi khả quan. Một nguyên nhân nữa khiến nhiều ngân hàng khá bình thản với quy định phải trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu là đã mạnh tay trích lập dự phòng trong năm 2020. Đơn cử, Vietcombank tính đến hết năm qua đã nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã lên tới 380%.

Tính tới cuối năm 2020, nợ xấu của Vietcombank là 0,65%. Và tại thời điểm cuối quý I/2021, tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ lên 0,7% do ngân hàng không chủ trương sử dụng dự phòng trong 6 tháng đầu năm để tạo áp lực duy trì chất lượng tín dụng của các chi nhánh. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đang ở mức cao kỷ lục, gần 380% do ngân hàng muốn kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng, giữ lành mạnh cho hệ thống.

Cụ thể, theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích 65%. Tuy nhiên, với các trường hợp này, Vietcombank chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1-2% và trích lập gần như 100%.

Thậm chí, đối với cả những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, như một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 (Chính phủ cho phép cơ cấu nợ do phía Cuba đề nghị) song Vietcombank vẫn đề nghị được trích lập dự phòng 100%. Tương tự, khoản vay của Vietnam Airlines, dù Chính phủ cho phép cơ cấu nợ, song Vietcombank vẫn trích lập dự phòng đầy đủ. Đây là lý do khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên tới 380%. Dù có quy mô lợi nhuận cao nhất hệ thống, song điểm tích cực của Vietcombank là nợ xấu lại thấp nhất nhì hệ thống và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống.

Kiên Cương