Trong bối cảnh "tiền mặt là vua" như hiện tại, các doanh nghiệp đã có những động thái cơ cấu lại tài sản

Tại thời điểm ngày 30/9, 14 trong số 22 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán tăng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong bối cảnh "tiền mặt là vua" như hiện tại, các doanh nghiệp đã có những động thái cơ cấu lại tài sản...

 

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc tiêu thụ hàng tồn kho trở nên chậm trễ hơn so với trước khiến cho dạng tài sản này khó chuyển thành tiền mặt hơn. Chính vì vậy, hệ số thanh toán nhanh có thể xem là công cụ phù hợp để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp mà không phụ thuộc vào việc tiêu thụ hàng tồn kho. Hệ số này được tính bằng cách chia tài sản ngắn hạn sau khi loại trừ hàng tồn kho cho nợ ngắn hạn.

Theo lý thuyết, chỉ số này càng lớn hơn 1 càng tốt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến cơ cấu của các khoản phải thu nếu chiếm tỷ trọng quá lớn trên tổng tài sản ngắn hạn có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp. Trong phân loại tài sản ngắn hạn, đầu tư tài chính ngắn hạn có tính thanh khoản cao thứ 2 chỉ sau tiền và các khoản tương đương tiền.

Các doanh nghiệp thường nắm giữ tài sản như trái phiếu, tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm bởi vừa có tính thanh khoản nhưng lại có lãi suất cao hơn nắm giữ tiền mặt.

Thời điểm cuối quý III vừa qua, gần một nửa trong số các doanh nghiệp tỷ USD đã giảm việc đầu tư tài chính ngắn hạn để tăng tiền mặt cũng như các khoản mục trong tài sản ngắn hạn.

Tại ngày 30/9, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã: VJC) là doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm đầu tư tài chính ngắn hạn nhất khi giảm từ 859 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn hơn 4 tỷ đồng. Vingroup cũng giảm đầu mức 8.080 tỷ đồng xuống còn 2.197 tỷ đồng ở dạng tài sản này.

Một doanh nghiệp khác trong họ nhà Vin là Vinhomes cũng chỉ nắm giữ 1.171 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn so với mức 4.979 tỷ đồng trước đây. Nhưng cũng có những doanh nghiệp thực hiện cơ cấu theo chiều ngược lại, chuyển từ tiền mặt sang đầu tư tài chính ngắn hạn.

Điển hình như Masan khi tài sản đầu tư tài chính ngắn hạn cán mốc 1.679 tỷ đồng, gấp 5 lần đầu năm. Công ty con của Masan là Masan Consumer cũng tăng gấp 8 lần loại tài sản này so với hồi đầu năm. Xét về số tuyệt đối, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất lên tới 26.450 tỷ đồng, tương đương gần 1,1 tỷ USD.

So với thời điểm đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nâng lượng tài sản có tính thanh khoản cao nhất tăng 44%. Xếp thứ 2 về sở hữu tiền mặt là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã: NVL) với 21.168 tỷ đồng, tăng 23% so với thời điểm đầu năm 2022.

Nếu tính về tốc độ, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (mã: VEA) có mức tăng nhanh nhất khi gấp 9,9 lần, từ mức chỉ vỏn vẹn 280 tỷ lên con số 2.761 tỷ đồng. Công ty cổ phần Vinhomes (mã: VHM) cũng tăng gấp 3 lần lượng tiền mặt. Trong khi, Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã: GAS) gấp 1,9 lần so với hồi đầu năm.

Ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã: MSN) là đơn vị giảm lượng tiền mặt tới 76% từ mức 13.013 tỷ đồng còn 3.142 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG), đơn vị này giữ 22.471 tỷ đồng tiền mặt hồi đầu năm nhưng thời điểm cuối quý III giảm một nửa, chỉ còn ở mức 11.881 tỷ đồng.

Hồi tháng 12/2021, mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn ở mức thấp, cao nhất là 6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Thế nhưng hiện tại, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất ở tất cả kỳ hạn, thậm chí có ngân hàng áp dụng lãi suất 9,65%/năm với kỳ hạn 1 năm.

(tổng hợp)

PV (t/h)

FIFA kêu gọi ngừng bắn ở Ukraina trong thời gian diễn ra World Cup 2022

FIFA kêu gọi ngừng bắn ở Ukraina trong thời gian diễn ra World Cup 2022

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) hôm thứ Ba vừa ra lới kêu gọi ngừng bắn ở Ukraina trong thời gian diễn ra World Cup 2022 và nói rằng thể thao có thể mang mọi người lại gần nhau hơn.