Theo Hiệp hội thủy sản Việt Nam Năm 2019 kết thúc với nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra , tuy nhiên đây cũng là năm chưa được như kỳ vọng của ngành hàng này. Khó khăn ở hầu hết các thị trường xuất khẩu, giá nguyên liệu trong nước giảm mạnh đã khiến cho giá trị giảm thêm.
Tháng 12/2019, giá trị xuất khẩu cá tra ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn trong top 10 đều giảm, trừ Trung Quốc - Hồng Kông.
Trung Quốc - Hồng Kông
Năm 2019, Trung Quốc - Hồng Kông là điểm sáng, điểm nhấn của bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam với tốc độ tăng trưởng dương ổn định, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, nhiều phân khúc. Riêng tháng 12/2019, trong khi hầu hết các thị trường lớn đều có giá trị giảm thì xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn đạt gần 74 triệu USD, chiếm hơn 39% tổng xuất khẩu cá tra và tăng 61,5% so với năm 2018.
Tính cả năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 662,5 triệu USD, tăng 25,3% và chiếm 33% tổng xuất khẩu cá tra. Khoảng cách về tỷ trọng trong tổng cơ cấu xuất khẩu cá tra giữa Trung Quốc - Hồng Kông với các nước đứng sau ngày càng cách xa thêm. Đây vừa là niềm vui những cũng không vui đối với nhiều doanh nghiệp cá tra xuất khẩu.
Xuất khẩu cá tra 2019. |
Mỹ - EU
Năm 2019, duy nhất trong quý I đầu năm, tâm lý xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và EU tích cực và chờ đợi hi vọng ở các quý tiếp. Tuy nhiên, Mỹ giảm trước rồi EU giảm sau lần lượt qua các tháng. Cuộc chiến tranh Mỹ - Trung khiến sản lượng cá rô phi - sản phẩm cạnh tranh mạnh mẽ với cá tra tại Mỹ giảm mạnh cũng không giúp ích gì cho việc gia tăng tỷ trọng cho cá tra tại Mỹ. Mỹ vẫn dựng rào cản kỹ thuật về thuế CBPG cao và cho tới tận cuối năm 2019 mới đưa ra công bố chính thức về việc công nhận tương đương về hệ thống kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
Tính hết cuối năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 287,7 triệu USD, giảm 47,6% so với năm 2018. Mới đây, FSIS (thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) cũng đưa ra thông báo mới, kể từ ngày 01/02/2020 hoặc sau ngày này, cơ quan này sẽ kiểm thêm chỉ tiêu Escherichia coli (E. coli) và Enterococcus giống như với Salmonella trên sản phẩm cá tra nhập khẩu. Những tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này càng trở nên khắt khe hơn đối với sản phẩm cá tra.
Với EU, hai quý cuối năm, xuất khẩu cá tra sang 4 thị trường đơn lẻ lớn trong khối là Hà Lan, Anh, Đức, Bỉ có dấu hiệu chậm lại rồi giảm dần. Khác với tinh thần lạc quan từ đầu năm, giá xuất khẩu trung bình sản phẩm cá tra sang các thị trường này cũng giảm theo giá nguyên liệu. Trong tháng 12/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 17,8 triệu USD, giảm 31,7%. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu đạt 235,4 triệu USD, giảm 3,5% so với năm trước.
Như vậy, năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang cả thị trường Mỹ và EU vẫn chưa bằng giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông.
ASEAN
Mặc dù tháng 12/2019, giá trị xuất khẩu sang thị trường ASEAN chỉ đạt 14,4% và giảm 24,4%. Hết năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 195,4 triệu USD, giảm 3,6% so với năm trước. Nhưng, về cơ bản, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan và Malaysia vẫn được cho là sẽ khả quan trong năm 2020 do nhu cầu nhập khẩu tương đối tốt. Đây vẫn được coi là hai thị trường tiềm năng trong năm nay.
Như vậy, kết thúc năm 2019, xuất khẩu cá tra giảm tại nhiều thị trường lớn kéo theo tổng xuất khẩu chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm 11,4% so với năm 2018. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tin rằng, trong năm 2020, giá nguyên liệu sẽ cải thiện hơn khi người nuôi tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc thả nuôi theo nhu cầu thị trường. Sau một thời gian lượng tồn kho tại một số thị trường lớn giảm bớt, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng dần trở lại.