Vào lúc 12h15 ngày 14/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,13% xuống còn 2.462 USD/ounce do một số hoạt động chốt lời. Giá vàng, vốn là loại tài sản không sinh lãi, đã đạt mức cao kỷ lục là 2.483,60 USD/ounce vào ngày 17/7 và tăng 20% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2024 tăng 0,2% lên 2.507,80 USD.
Đồng USD giảm 0,4% so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần.
Số liệu được công bố ngày 13/8 cho thấy giá sản xuất của Mỹ tăng chậm hơn dự đoán trong tháng 7, cho thấy lạm phát tiếp tục giảm nhiệt.
Các nhà giao dịch hiện đang chờ đợi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ, dự kiến công bố trong ngày 14/8, và số liệu bán lẻ vào ngày 15/8 để dự đoán động thái chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ông Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành của công ty Allegiance Gold, cho biết dù gần đây xảy ra hoạt động chốt lời, nhưng tình hình căng thẳng địa chính trị hiện tại và sự biến động gần đây trên thị trường cùng với khả năng Fed hạ lãi suất tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư hướng tới các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Ngân hàng Commerzbank nhận định số liệu lạm phát của Mỹ sắp công bố có thể tạo thêm động lực cho giá vàng. Vì vậy việc kim loại quý này ghi nhận một mức giá cao kỷ lục mới chỉ là vấn đề thời gian.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đang dự đoán khoảng 54% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9. Vàng thường trở nên hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,2% xuống 27,68 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,4% lên 939,80 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, sáng 14/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 78 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
(Nguồn: TTXVN)