Giới đầu tư tin tưởng vì nguồn cung chỉ giới hạn 21 triệu Bitcoin?
Những người này lập luận rằng, việc ngân hàng trung ương các nước in thêm tiền sẽ dẫn đến lạm phát hoặc chí ít, nó sẽ làm giảm giá trị của tiền theo thời gian.
Ngược lại, Bitcoin được phát hành cố định, đó là chỉ có 21 triệu đồng được tạo ra. Và chính nguồn cung hạn chế này mà người ta cho rằng nó chống lại được lạm phát.
Đại dịch COVID-19 đã đã vô tình tạo ra những điều kiện lý tưởng để kiểm tra lý thuyết này, khi mà các quốc gia trên thế giới bắt đầu bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế của họ. Và nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã in thêm tiền để đáp ứng các yêu cầu cứu trợ cho công dân của mình.
Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương "hoan nghênh" lạm phát cao hơn vào năm 2021, bởi một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trở lại sau đại dịch.
Các chính phủ hy vọng rằng, một chính sách tiền tệ mở rộng, theo đó các ngân hàng trung ương tăng lượng tiền mặt cho người dân và điều này sẽ giữ cho các nền kinh tế luôn vận động trong bối cảnh một số bộ phận của nền kinh tế ngừng hoạt động do đại dịch.
Theo báo cáo của McKinsey Global, đến tháng 6/2020, để kích thích kinh tế, các quốc gia chi ra hơn 10.000 tỷ USD. Chỉ riêng chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ đã lên tới 6.500 tỷ USD trong năm 2020, tăng 48% so với năm trước.
“Hiện tại có một lượng tiền khổng lồ đang được in ra, vì vậy giá trị của tiền đang giảm xuống. Các tài sản có nguồn cung hạn chế như Bitcoin, bất động sản hoặc cổ phiếu,...sẽ tăng giá”, Oki Matsumoto, Giám đốc điều hành của Monex Group nói với CoinDesk.
Có một sự thật là, mặc dù sản lượng kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Thế nhưng, sự xáo trộn này đã khiến giá tài sản tăng lên, bằng chứng là thị trường chứng khoán kết thúc năm với mức tăng kỷ lục.
Ngay cả Bitcoin, một loại tiền vốn được coi là một tài sản "ngoài rìa", cũng đã có một đợt tăng giá lịch sử, tăng hơn 250% vào cuối năm 2020.
Những lợi nhuận này một phần bị ảnh hưởng bởi các nhà đầu tư truyền thống, những người nhìn thấy tiềm năng của Bitcoin, đó là khả năng tạo ra một hàng rào chống lại lạm phát.
Tuy nhiên, thực tế là loại lạm phát mà các nhà đầu tư nghĩ đến chưa xuất hiện, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Trên thực tế, lạm phát ở Mỹ vẫn ổn định cho đến năm 2020. Một số nhà kinh tế không tin rằng lạm phát ở Mỹ sẽ sớm bùng phát. Trong khi đó, một số người lại cho rằng, một chút lạm phát sau đại dịch thậm chí có thể là một điều tốt.
Khi nào thì lạm phát xảy ra?
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ định nghĩa, lạm phát là sự gia tăng giá hàng hóa và dịch vụ theo thời gian, nhưng nhiều người liên kết nó với sự thay đổi trong cung tiền hoặc tổng lượng tiền lưu thông.
“Trong thế giới Bitcoin, họ không sử dụng thuật ngữ 'lạm phát' theo cách mà các nhà kinh tế thường làm, như một sự gia tăng chung về giá tiêu dùng. Thay vào đó, họ có xu hướng sử dụng nó để chỉ sự gia tăng nguồn cung tiền”, Frances Coppola, nhà kinh tế học và chuyên mục CoinDesk cho biết.
Lập luận của các chuyên gia tiền điện tử rằng, việc in nhiều tiền hơn dẫn đến lạm phát “nghe có vẻ hấp dẫn”, Michael Ashton, chuyên gia tư vấn lạm phát và cựu nhân viên của JPMorgan, nói với CoinDesk.
Khi có sự thay đổi về số lượng tương đối của hai hàng hóa, thì hàng hóa đang tăng về số lượng có xu hướng rẻ hơn, và theo ông, điều này luôn xảy ra với ngoại hối.
Ashton đưa ra dẫn chứng về đồng peso của Mexico. Ông cho rằng, đồng Peso của Mexico có giá rẻ so với USD trong một thời gian dài là do nguồn cung đồng peso của Mexico luôn vượt xa nguồn cung của USD. Có nhiều Peso hơn USD, giá trị của đồng Peso trên thị trường hối đoái đi xuống.
"Chúng tôi sẽ giới hạn mức độ cung cấp tiền điện tử trong khi đồng USD vẫn được in không giới hạn, điều đó có nghĩa là USD giảm giá rất nhiều so với tiền điện tử. Do đó, giá tiền điện tử sẽ tăng theo thời gian”, Ashton nói.
Người Mỹ in thêm tiền, lạm phát có tăng vọt?
Chưa hẳn đúng như thế, ít nhất là ở Hoa Kỳ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra mục tiêu lạm phát là 2%, chỉ tiêu này được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vào năm 2020, bất chấp lo ngại lạm phát do liên quan đến đại dịch tỷ lệ lạm phát của Mỹ vẫn chỉ dao động quanh mức 1,5%, thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Một giải thích cho sự ổn định tương đối của lạm phát Hoa Kỳ là vận tốc tiền tệ, tức là định lượng tốc độ thay đổi của tiền trong một nền kinh tế. Nếu cung tiền tăng lên, nhưng mọi người không tiêu nhiều tiền một cách nhanh chóng, thì lạm phát có thể vẫn ở mức cân bằng.
Sau khi đại dịch tấn công, chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng trên khắp thế giới, với các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Đức mức chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh. Khi nhiều bang ở Hoa Kỳ bị đóng cửa, mọi người ở nhà thay vì đi ăn tối, các lễ hội, các cuộc tụ họp đều dừng lại ngay cả việc đi du lịch.
Điều này khiến mọi người chi tiêu ít hơn, có nghĩa là nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ nói chung đã giảm xuống. Theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), riêng nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm 6% trong vài tháng đầu năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến II.
"Nhu cầu yếu hơn và giá dầu thấp hơn đáng kể đã kìm hãm lạm phát giá tiêu dùng", Cục Dự trữ Liên bang viết trong báo cáo chính sách tiền tệ vào tháng 6/2020.
Điều này đúng với dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), giá cả hàng hóa toàn cầu sẽ giảm.
Lạm phát ở Mỹ khác với phần còn lại của thế giới như thế nào?
Nỗi lo sợ lạm phát của người Mỹ chỉ là một phần nhỏ, nó không là gì so với nhiều nơi trên thế giới. Một số nhà đầu tư có thể nhìn về các quốc gia như Argentina và Venezuela, nơi việc in tiền đã dẫn đến lạm phát rất cao.
“Nhìn chung, những gì các nhà đầu tư đang làm là nhìn về phía trước và nói rằng, chúng tôi đang thấy rất nhiều tiền đi vào nền kinh tế. Vì vậy, có nguy cơ nó có thể xảy ra ở Hoa Kỳ. Do đó, chúng ta cần đầu tư vào những thứ sẽ bảo vệ chúng ta khỏi cơn lạm phát đó, nếu nó xảy ra. Đó là lập luận thông thường, lạm phát đang đến, chúng ta cần chống lại nó", Coppola nói.
Tuy nhiên, ở những quốc gia đó, mọi hoạt động không giống ở Mỹ, Coppola nói thêm.
Venezuela và Argentina là những nền kinh tế siêu lạm phát, nơi giá cả tăng nhanh chóng và quá mức, nó được tạo ra bởi sự gia tăng cung tiền hoặc thiếu hụt cung so với cầu.
Ví dụ như ở Venezuela, việc in tiền đã khiến giá lương thực tăng mạnh vào năm ngoái. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) báo cáo rằng, tỷ lệ lạm phát ở Venezuela là con số khổng lồ, khoảng 6.500% vào năm 2020.
Ở các nước siêu lạm phát, do bất ổn chính trị đã làm kinh tế cạn kiệt, và việc lựa chọn việc in thêm tiền đã dẫn đến tình trạng lạm phát không thể kiểm soát.
Coppola nói thêm rằng, các quốc gia đang phải vật lộn với siêu lạm phát ngoài vấn đề kinh tế còn có nợ ngoại hối cao, chiến tranh, chiếm đóng hoặc một cái gì đó liên quan đến chính trị.
Ví dụ, Argentina đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và phức tạp, ngoài ra họ còn có nghĩa vụ trả các món nợ lớn nên người dân tranh thủ để chuyển đổi đồng Peso của họ thành tài sản hoặc tiền tệ mạnh hơn.
Ở Argentina, ngay khi chính phủ bắt đầu tăng cung tiền, thì cũng rất nhanh chóng, giá cả sẽ tăng ngay lập tức.
Có một điều thú vị là, ở Argentina, đại dịch cũng không những thúc đẩy lạm phát mà nó còn kéo giảm. Vào giữa năm 2020, lạm phát ở Argentina đã đạt mức thấp nhất trong hai năm qua, theo báo cáo của Focus Economics.
Bởi vì người Argentina cũng đang trong tình trạng bế tắc do đại dịch, nền kinh tế phát triển chậm lại, nhu cầu thấp kết hợp với sự gia tăng chi tiêu của chính phủ đã không gây ra sự gia tăng lớn về giá cả, Coppola nói.
Bitcoin không phải là hàng rào chống lạm phát duy nhất
Mọi người có thể mua Bitcoin như một hàng rào chống lại lạm phát trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều người đa không chọn điều đó một cách mù quáng.
Theo một tuyên bố trước truyền thông của Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Richard Carida, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lãi suất gần bằng 0 cho đến khi lạm phát tăng đủ mục tiêu 2%.
Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ biết chính xác những gì họ đang làm, Phillip Gillespie - giám đốc điều hành của nhà cung cấp thanh khoản tiền điện tử B2C2 Nhật Bản cho biết.
“Về cơ bản, họ sẽ kìm hãm lãi suất và để lạm phát tăng cao hơn”, Gillespie nói với CoinDesk.
Nhưng các nhà kinh tế đang nói rằng, khi đất nước mở cửa trở lại và chi tiêu tăng lên, việc kiềm chế mức giá để duy trì mục tiêu lạm phát sẽ là một trong những thách thức lớn nhất trong lịch sử 108 năm của Cục Dự trữ Liên bang.
Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, các nhà đầu tư đang phản ứng lại với tất cả sự u ám của lạm phát bằng cách đặt cược vào "hàng rào" chống lại nó, biến một tài sản thay thế như Bitcoin thành một loại bảo hiểm chống lại lạm phát. Điều đo khiến cho Bitcoin trở thành "ngôi sao" trong năm 2020.
Theo J.P. Koning, nhà tài chính Canada và là người sáng lập blog Moneyness, Bitcoin thừa hưởng rất nhiều điểm bán hàng giống với vàng và điều đó khiến nó trở thành hàng rào lạm phát được ưa chuộng do sự khan hiếm và tính tiện ích.
Và, khi nói đến việc phục vụ như một hàng rào chống lại lạm phát, Bitcoin hầu như không đơn độc.
“Bạn hãy nhìn xung quanh ngôi nhà của mình, mọi thứ đều là hàng rào lạm phát. Bản thân ngôi nhà của bạn là một hàng rào, vườn của bạn, vốn cá nhân của bạn, giáo dục của bạn đều là hàng rào chống lạm phát bởi vì tất cả những thứ đó sẽ tăng giá trị khi sức mua của đồng tiền giảm”, Koning nói.
(Tham khảo: Coindesk)