Việt Nam ghi nhận gần 7.900 ca mắc COVID-19 trong ngày 26/7

Cập nhật lúc 19h ngày 26/7, Việt Nam có thêm 5.174 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM là 4.283 ca. Tổng số mắc trong ngày là 7.882 ca.

Tính từ 6h đến 18h30 ngày 26/7, Việt Nam ghi nhận thêm 5.174 ca mắc mới, trong đó có 19 ca nhập cảnh và 5.155 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, số ca nhiễm trong nước gồm TP.HCM có 4.283 ca; Bình Dương có 326 ca; Đồng Nai có 134 ca; Đồng Tháp có 116 ca; Hà Nội có 81 ca; Cần Thơ có 36 ca; Đà Nẵng có 34 ca; Bình Thuận có 25 ca; Phú Yên có 20 ca; Bến Tre có 18 ca; Đắk Lắk và Trà Vinh mỗi tỉnh có 13 ca; Vĩnh Phúc có 10 ca.

Ngoài ra, Bình Định, Quảng Nam mỗi tỉnh có 8 ca; Lâm Đồng và Ninh Thuận mỗi tỉnh có 7 ca; Quảng Ngãi có 4 ca; Gia Lai có 3 ca; Bạc Liêu và Nghệ An mỗi tỉnh có 2 ca; Tuyên Quang , Cà Mau, Hòa Bình, Đắk Nông và Huế mỗi tỉnh có 1 ca. 

Trong số những ca mắc trong nước này có 380 ca ghi nhận trong cộng đồng.

covid-hcm2.jpg
Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người dân tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: HCDC

Như vậy, trong ngày 26/7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 7.882 ca mắc mới, gồm 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca trong nước.

TP.HCM ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất cả nước với 5.997 ca.

Tiếp theo, các tỉnh, thành phố có số ca mắc ở mức cao gồm Bình Dương với 733 ca; Đồng Nai có 259 ca; Tiền Giang có 201 ca; Đồng Tháp có 135 ca; Hà Nội có 81 ca; Đà Nẵng 61 ca; Vĩnh Long 49 ca; Bình Thuận 48 ca; Phú Yên 46 ca; Cần Thơ 43 ca; Bến Tre 37 ca; Đắk Lắk 29 ca, Bình Định 27 ca; An Giang 25 ca.

Các tỉnh, thành phố có số ca nhiễm trong ngày ở mức thấp hơn gồm Trà Vinh với 13 ca; Khánh Hòa 12 ca; Vĩnh Long 10 ca; Lam Đồng 9 ca; Quảng Nam 8 ca; Hậu Giang và Ninh Thuận mỗi tỉnh 7 ca; Đắk Nông 6 ca; Quảng Ngãi 4 ca; Gia Lai 3 ca; Bạc Liêu và Nghệ An mỗi tỉnh 2 ca; Hưng Yên, Tuyên Quang, Cà Mau, Hòa Bình và Huế mỗi tỉnh 1 ca.

Về tình hình điều trị, trong ngày hôm nay có 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 130 ca. Ngoài ra có 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Siết chặt hơn nữa các biện pháp chống dịch

TP.HCM đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ (gồm: Chỉ thị 15 của Thủ tướng đến Chỉ thị 10 của Thành phố, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và nay là siết chặt Chỉ thị 16). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguyên nhân chính là do một số người dân không thực hiện nghiêm việc giãn cách. Do vậy, theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi, TP Hồ Chí Minh quyết định siết chặt các quy định giãn cách xã hội hơn nữa.

Cụ thể, từ tối 26/7, người dân không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Tất cả các hoạt động trên địa bàn Thành phố tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch. Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm trễ giải quyết phản ánh của người dân dẫn đến dịch bệnh lây lan tại đơn vị, địa phương do mình quản lý.

Theo Phó Bí thư Phan Văn Mãi, Thành phố sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn khi việc ra đường bị giới hạn. Chính quyền cũng sẽ xử lý tốt hơn các tình huống y tế khẩn cấp mà người dân yêu cầu. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc siết chặt Chỉ thị 16 được thực hiện đến ngày 1/8, nhưng có thể có độ trễ 1-2 tuần để các biện pháp đủ thời gian phát huy tác dụng. Khi nào ngăn được sự lây lan và phát tán của dịch bệnh, Thành phố mới tuyên bố kết thúc hoặc điều chỉnh cấp độ thực hiện các biện pháp.

Tại Hà Nội, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, Công an thành phố đã tăng cường tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong ngày 25/7, lực lượng chức năng của Công an thành phố đã xử phạt hành chính 168 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng 385 triệu đồng; 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động 15 triệu đồng.

Ngoài ra, các đơn vị cũng xử phạt hơn 115 triệu đồng đối với 52 trường hợp có các hành vi vi phạm phòng, chống dịch khác như không thực hiện biện pháp cách ly; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách....

Về một số nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, bên cạnh phần lớn người dân thực hiện nghiêm, còn tình trạng vi phạm diễn ra nhiều nơi của tổ chức, cá nhân. Nên các quận, huyện, thị xã phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và tuyên truyền công khai để giáo dục, răn đe.

Nhấn mạnh việc quan tâm, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo trước tác động của dịch bệnh và việc chấp hành Chỉ thị 17/CT-UBND, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành phải thường xuyên rà soát, kịp thời hỗ trợ, không để người dân bị thiếu đói, ốm đau mà không được giúp đỡ. Các cơ quan tham mưu nghiên cứu, cần thiết đề xuất mở rộng, nâng cao khoản hỗ trợ của thành phố so với quy định chung.

Lãnh đạo TP.HCM và Hà Nội đều xác định thời gian cao điểm hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng, chống dịch, do đó yêu cầu từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị phải quyết tâm bằng mọi giải pháp phải duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách để từng bước khống chế dịch bệnh.

Tại tỉnh Bình Dương - địa phương có số ca COVID-19 cao thứ hai cả nước (sau TP Hồ Chí Minh), cũng đang tăng cường và siết chặt các biện pháp chống dịch. Ngày 25/7, Đoàn chi viện của Bộ Y tế do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia, bác sĩ hồi sức, cấp cứu, gây mê, tim mạch, điều dưỡng đã đến Bình Dương.

Đoàn sẽ giúp Bình Dương vận hành đơn vị hồi sức tích cực ICU, hỗ trợ phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Tỉnh Bình Dương cũng dành 500 tỷ đồng để giải ngân cho các đối tượng theo Nghị quyết 68.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 18h ngày 26/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 194,967 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 4,178 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 176,888 triệu người.

Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã tăng 3%, trong đó khu vực Bắc Mỹ tăng 34%, châu Âu tăng 6%, châu Á tăng 4%, châu Đại dương tăng 3%. Trong khi đó, châu Phi giảm 16%, còn Nam Mỹ giảm 14%.

Tại Đông Nam Á, Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này được cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Tình hình COVID-19 trên thế giới

AN DI