Vốn hoá thị trường cổ phiếu FLC cùng nhóm liên quan đã giảm mạnh ba tháng gần đây

Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa thông báo danh sách bổ sung 4 chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, bao gồm ba cổ phiếu họ FLC là FLC (FLC), Nông dược HAI (HAI), FLC FAROS (ROS) và cổ phiếu VMD của Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex. Vốn hoá thị trường cổ phiếu FLC cùng nhóm liên quan đã giảm mạnh ba tháng gần đây.

Nguyên nhân bởi 4 doanh nghiệp này đã chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Trước đó, trong văn bản gửi đến các công ty chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ với các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC bao gồm mã chứng khoán như FLC, AMD, KLF, ART, HAI, ROS, GAB.

Nội dung báo cáo bao gồm dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của tất cả các tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại các công ty và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay giao dịch ký quỹ tương ứng theo từng mã chứng khoán.

Trước đó, vào ngày 29/3/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các đối tượng liên quan.

Đến thời điểm hiện tại, C01 tiếp tục ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 03 tháng đối với bà Trịnh Thị Minh Huế, bà Trịnh Thị Thuý Nga, bà Hương Trần Kiều Dung và bà Nguyễn Quỳnh Anh với vai trò đồng phạm giúp sức bị can Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán". Bà Trịnh Thị Minh Huế và bà Trịnh Thị Thuý Nga đều là cán bộ Ban Kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC và là em gái ruột của ông Trịnh Văn Quyết. Bà Nguyễn Quỳnh Anh là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS. Bà Hương Trần Kiều Dung là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS đồng thời cũng đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các công ty trong nhóm FLC.

Các cổ phiếu "họ FLC" đã đồng loạt rơi sâu thời gian qua với nhiều phiên xuất hiện tình trạng trắng bên mua, thanh khoản cạn kiệt. Dù vậy, cũng đã có một số phiên các cổ phiếu này dư mua, đóng cửa tăng kịch biên độ. Ở phiên 1/4, hơn 100 triệu cổ phiếu FLC bất ngờ được khớp lệnh trực tiếp trên sàn, giá trị giao dịch xấp xỉ 1.050 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, vốn hoá thị trường của tập đoàn FLC đã bốc hơi 46%. Cổ phiếu HAI cũng giảm 37% giá trị. Giá cổ phiếu ROS còn giảm sây hơn, tới hơn 58% giá trị. Cổ phiếu ROS thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết cũng là tài sản được sử dụng để đảm bảo trong nhiều khoản vay.

Ngày 7/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ra quyết định khởi tố, tạm giam thêm 2 bị can trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC. 2 bị can gồm bà Hương Trần Kiều Dung là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS và Nguyễn Quỳnh Anh là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS. C03 xác định, cả hai có vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán".

Ngày 8/4/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định, Lệnh tố tụng đối với Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh theo quy định của pháp luật.

Trước đó, C01 đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết và 2 đồng phạm khác (Trịnh Thị Mai Huế và Trịnh Thị Thúy Nga) về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các đối tượng liên quan. Cơ quan chức năng xác định từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên CTCP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích là đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).

Sau đó, ông Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Tổng Hợp