Tại cáo trạng ban hành ngày 8/4, Viện KSND tối cao xác định giai đoạn 2017 – 2022, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo người thân, nhân viên và các công ty con, sử dụng khoản chứng khoán để "thổi giá" các mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Qua đây, ông ta và đồng phạm hưởng lợi bất chính 723 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết còn "phù phép", nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh để bán, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Có 50 bị can bị truy tố về hai sai phạm trên, bao gồm nhiều người của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhưng một số cán bộ liên quan không bị xử lý hình sự.
Số này gồm ông Vũ Bằng, cựu Chủ tịch UBCKNN; bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng. Họ có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo liên quan đến hồ sơ chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán của Công ty Faros.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm tại UBCKNN và Trung tâm lưu ký chứng khoán thuộc về các bị can trong vụ đã cố ý che giấu, công bố thông tin sai lệch. Do vậy, cơ quan điều tra không xử lý hình sự, chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính ông Vũ Bằng, bà Lê Thị Thu Hằng.
Một người khác, ông Đoàn Vĩnh Nam, chuyên viên Phòng Quản lý và Thấm định niêm yết, Thư ký Hội đồng niêm yết HOSE, bị xác định biết rõ chưa có cơ sở xác định số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán. Tuy vậy ông Nam vẫn đề xuất hồ sơ của doanh nghiệp này đủ điều kiện niêm yết.
Phía điều tra xác định hành vi của ông Nam có dấu hiệu tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nhưng do ông này là cấp dưới, chịu chỉ đạo của cấp trên nên không bị xử lý hình sự.
Nhóm 5 cán bộ khác tại HOSE, trong đó bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, thành viên Hội đồng niêm yết, bị xác định đã cho ý kiến chấp thuận hồ sơ niêm yết của Công ty Faros. Việc làm của họ có dấu hiệu tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng cơ quan điều tra sau khi xem xét "tính chất, mức độ" vi phạm đã không xử lý hình sự nhóm này, theo Dân Việt.
Trong quá trình Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội, Bộ Tài chính từng lập đoàn kiểm tra với Công ty Faros và việc giao dịch cổ phiếu mã ROS của doanh nghiệp này.
Đoàn kiểm tra phát hiện một số dấu hiệu bất thường trong việc góp vốn và sử dụng vốn góp tại Công ty Faros; thu thập các chứng từ kế toán thể hiện số vốn góp đã được chuyển vào tài khoản của Công ty Faros nhưng được sử dụng chủ yếu vào các hoạt động đầu tư tài chính.
Đoàn kiểm tra đã tham vấn ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư và đối chiếu với các quy định của pháp luật, phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong các quy định về doanh nghiệp, hoạt động đăng ký kinh doanh, đầu tư tài chính, cho vay… nên kiến nghị rà soát, sửa đổi.
Quá trình điều tra không phát hiện vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nên cơ quan tố tụng cho rằng không có căn cứ xem xét, xử lý các thành viên đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính.
Sàn HOSE cũng từng lập một đoàn kiểm tra về niêm yết chứng khoán, gồm kiểm tra hồ sơ chấp thuận niêm yết mã chứng khoản ROS của Công ty Faros nhưng "không phát hiện ra sai phạm". Cơ quan điều tra cho hay không phát hiện vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nên không có căn cứ xem xét, xử lý các thành viên trong đoàn.
Theo cáo trạng, từ 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Em gái ông Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh…
Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Như với mã HAI, các bị can đẩy giá từ 3.700 đồng/cổ lên tới 22.500 đồng/cổ trước khi bán tháo, thu lợi bất chính 238 tỷ đồng, cáo trạng nêu.
Hoặc với cổ phiếu FLC, cơ quan tố tụng xác định các bị can "thổi" từ 3.050 đồng lên hơn 21.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2020 - 2022, thu lợi bất chính 397 tỷ đồng.
Tổng cộng, cơ quan tố tụng xác định thông qua việc thao túng 5 mã chứng khoán, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết dù không công bố thông tin theo quy định nhưng đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu trong số đó, thu về gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hành vi này bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước "tuýt còi", hủy giao dịch nên nhà đầu tư "ôm" số cổ phiếu này được trả lại tiền.
Cáo buộc thứ 2 nhắm vào Trịnh Văn Quyết, Viện kiểm sát cho rằng bị cáo có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư, theo VTC News.
Cụ thể, Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 – 2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho doanh nghiệp này lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần.
Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Hành vi gian dối trong việc nâng khống vốn điều lệ rồi niêm yết, bán cổ phần để thu tiền bị Viện kiểm sát xác định là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".