Xem xét thận trọng tỷ lệ nợ xấu lên tới 5,76% tại ngày 31/3/2022

Số liệu mới nhất về nợ xấu, xem xét thận trọng tỷ lệ nợ xấu lên tới 5,76%. Đó là thông tin cập nhật mới nhất từ Chính phủ trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gửi Quốc hội khóa XV...

Còn theo thống kê tại gần 30 ngân hàng thương mại, tổng số nợ xấu tính đến cuối quý I/2022 đạt gần 110.000 tỷ đồng, tăng gần 10.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong số các ngân hàng quốc doanh (ngoại trừ Agribank không được thống kê), VietinBank có nợ xấu cao nhất với trên 15.300 tỷ đồng nợ xấu nội bảng – đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng nợ xấu trong danh mục được thống kê.

Trong đó, hai nhóm nợ 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và 4 (nợ nghi ngờ) giảm nhưng riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng mạnh 36%. Tại thời điểm 31/3/2022, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank là 1,25%, dù giảm nhẹ so với 1,26% cuối năm ngoái nhưng vẫn cao nhất trong nhóm 3 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank và BIDV. Trong kỳ, VietinBank đã tăng gấp 3 lần chi phí dự phòng rủi ro lên 4.426 tỷ đồng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 5.822 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro đã nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến cuối quý I/2022 của VietinBank lên gần 200%, tăng mạnh so với mức 180% hồi cuối năm 2021. BIDV và Vietcombank ghi nhận số dư nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 3 lần lượt là 13,7 nghìn tỷ đồng và 8,3 nghìn tỷ đồng, đứng vị trí thứ 3 và thứ 4 trong bảng xếp hạng. Tương tự VietinBank, BIDV cũng có nợ nhóm 3 và 4 giảm so với đầu năm, chỉ có nợ nhóm 5 tăng với mức tăng 19%. Đến cuối quý này, BIDV cũng là ngân hàng có con số tuyệt đối nợ nhóm 5 cao nhất với 8.683,7 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn chỉ dừng ở mức 0,97%.

Ngày 13/3/2020, NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2020/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN, tạo khung khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng, không trả được nợ ngân hàng; từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) khiến nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2021. Nợ tiềm ẩn thành nợ xấu bao gồm: Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và Thông tư 19/2014/TT-NHNN; TPDN tiềm ẩn trở thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái; dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN có nguy cơ chuyển nợ xấu.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các TCTD đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2% (đến cuối tháng 3/2022 là 1,53%).

Trên tinh thần xem xét một cách thận trọng, nếu bao gồm cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN có nguy cơ chuyển nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76%.

Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đến 31/3/2022 là khoảng 377,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó riêng lãi dự thu phải thoái của hệ thống các TCTD là 16,5 nghìn tỷ đồng.

Tổng Hợp