Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 1,29 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm 2023, tương đương 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, Indonesia tăng mua gấp 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tuần qua, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan giảm, Ấn Độ tăng và Việt Nam không đổi so với tuần trước. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 495 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn so với tuần trước. Nhu cầu gạo Thái Lan giảm, đồng thời thị trường đang chờ thu hoạch vụ tiếp theo để có thêm nguồn cung.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 378 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn so với tuần trước. Nhu cầu gạo Ấn Độ đã được cải thiện do giá ở mức thấp so với Thái Lan và Việt Nam.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ước tính đạt 493 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Hoạt động thương mại khá trầm lắng do giá gạo ở mức cao.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023/24 ở mức 520,5 triệu tấn, tăng 12,1 triệu tấn so với năm trước. Do sản lượng tăng tại Trung Quốc, Campuchia, Bangladesh và Ấn Độ, và sự hồi phục mạnh mẽ từ Myanmar, Pakistan và Hoa Kỳ cũng như các quốc gia tại châu Âu.
Nguồn cung gạo niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức 689,7 triệu tấn, giảm 1,0 triệu tấn so với niên vụ trước.
Lượng tiêu thụ gạo niên vụ 2023/24 dự báo ở mức kỷ lục 523,0 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với niên vụ trước và vượt mức sản lượng 2,5 triệu tấn. Theo đó, tồn kho cuối kỳ được dự báo sẽ giảm 2,5 triệu tấn xuống mức 166,7 triệu tấn, đây là năm giảm tồn kho thứ 3 liên tiếp và ở mức thấp nhất kể từ niên vụ 2017/18.