Cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù đối với 3 Cục thuộc Bộ NNPTNT

Thủ tướng vừa ban hành quyết định về việc áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù đối với 3 Cục thuộc Bộ NN&PTNT.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 17/2020/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù đối với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, nguồn tài chính của đơn vị gồm: Nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ; nguồn ngân sách nhà nước cấp các nhiệm vụ không thường xuyên (nếu có); các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về chi thường xuyên, các Cục: Bảo vệ thực vật, Thú y, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được chủ động sử dụng nguồn tài chính quy định nêu trên để chi cho hoạt động thường xuyên như chi tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương; tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân.

Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung; chi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, chi quản lý;...

Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Đối với các nội dung chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Về chi nhiệm vụ không thường xuyên, đơn vị chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí.

Hàng năm phải quyết toán thu chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quyết định cũng quy định rõ về phân phối kết quả tài chính. Theo đó, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự sau:

a- Trích lập các Quỹ: Trích tối thiểu 25% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; trích lập Quỹ bổ sung thu nhập: Mức trích tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định; trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công bình quân thực hiện trong năm của đơn vị; trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng các Quỹ do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

b- Sử dụng các Quỹ: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ khen thưởng; Quỹ phúc lợi.

Các Cục: Bảo vệ thực vật, Thú y, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được điều hòa nguồn tài chính quy định nêu trên trong nội bộ Cục để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/7/2020, được áp dụng cho các năm ngân sách 2019-2020.

Nguồn: Báo Chính phủ

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương