COVID-19, sau đại dịch là những lời cảnh báo mạnh mẽ

COVID-19, đại dịch bệnh toàn cầu là lời cảnh báo mạnh mẽ tới con người về thiên nhiên, môi trường cũng như lối sống hiện đại.

Loài người sắp đối mặt các dịch bệnh mới sau COVID-19

Theo các nhà khoa học, chúng ta cần chuẩn bị cho đại dịch diễn ra sau COVID-19 vì nạn phá rừng và sử dụng động vật hoang dã. Dân số toàn cầu tăng lên đẩy chúng ta tiến gần hơn với động vật hoang dã và tạo nguy cơ xuất hiện các loại virus mới.

“Tôi chắc chắn rằng sẽ còn có thêm dịch bệnh như thế này trong tương lai nếu chúng ta tiếp tục những hành động phá hoại thế giới” - Nhà sinh thái biển Enric Sala Chiến dịch vì thiên nhiên của Tạp chí National Geographic (Mỹ) nói với The Independent.

Có phải COVID-19 là một sứ giả của Trái Đất cảnh báo tới loài người những nguy cơ đã bị chúng ta phớt lờ lâu nay?

Động vật là nguồn chứa mầm bệnh khổng lồ

Khung cảnh giết mổ động vật tại chợ Tomohon Extreme trên đảo Sulawesi, Indonesia
Khung cảnh giết mổ động vật tại chợ Tomohon Extreme trên đảo Sulawesi, Indonesia

Bệnh dịch truyền từ người sang động vật và ngược lại chiếm hơn 17% tất cả các bệnh truyền nhiễm và gây ra hơn 700.000 ca tử vong hàng năm.

Số lượng bệnh dịch đã tăng lên từ những năm 50 của thế kỷ trước khi 30 bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện lần đầu. Đến những năm 80, số bệnh truyền nhiễm này đã tăng gấp 3 lần, trong đó có các bệnh có nguồn gốc từ động vật như HIV, Ebola, SARS, MERS và Zika.

Chiến dịch vì Thiên nhiên của Tạp chí National Geographic (Mỹ) nói rằng chúng ta sẽ chứng kiến thêm các dịch bệnh như COVID-19 vì phá rừng và sử dụng động vật hoang dã làm vật nuôi, làm thực phẩm và thuốc.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm David Quammen nói rằng hệ sinh thái chứa nhiều loài động thực vật, nấm, vi khuẩn khác nhau. Trong mỗi động thực vật và sinh vật trên và trong sự đa dạng của hệ sinh thái, có rất nhiều virus đặc biệt có thể lây sang người như COVID-19.

Chọn lọc tự nhiên không loại trừ loài người

Loài người chúng ta, được xem như loài có tổ chức xã hội cao nhất trên Trái Đất. Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã và đang làm chủ được tự nhiên nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và y tế. Nhưng trận đại dịch COVID-19 đã chứng minh, loài người chúng ta không nằm ngoài vòng quay của Trái Đất và quy luật chọn lọc tự nhiên.

Nhóm người từ 50 tuổi trở lên dễ tổn thương và có sức đề kháng yếu hơn.
Nhóm người từ 50 tuổi trở lên dễ tổn thương và có sức đề kháng yếu hơn.

Hiện nay, tỷ lệ tử vong của bệnh dịch COVID-19 trên toàn thế giới đang tập trung cao nhất với nhóm người từ 50 tuổi trở lên. Những người này thuộc nhóm người dễ tổn thương và có sức đề kháng yếu hơn.

Đây là một ví dụ điển hình của việc chọn lọc các cá thể khỏe mạnh và có số lượng đông đảo, loại bỏ đi các nhóm cá thể có sức chịu đựng kém trong tự nhiên. Nó là một kiểu chọn lọc phổ biến khi môi trường sống bị thay đổi. 

Trước bệnh dịch, con người đều bình đẳng

Trong đại dịch COVID-19, rất nhiều các ca nhiễm là nguyên thủ của các quốc gia, là những người nổi tiếng, người giàu có. Điển hình như Trung vệ Daniele Rugani - Ngôi sao của Juventus, vợ chồng nam diễn viên nổi tiếng Tom Hanks, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Cầu thủ bóng rổ NBA - Kevin Durant...

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới phải thay đổi tư duy xã hội, rằng “tất cả chúng ta đều bình đẳng trước đại dịch”. Do đó, trước COVID-19 tất cả chúng đều bình đẳng và đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Mỗi người đều cần có trách nhiệm trong việc cùng cộng đồng đối phó với khủng hoảng phía trước.

Cảnh báo về sự gia tăng mật độ dân số và ô nhiễm môi trường

Tốc độ lây lan chóng mặt của COVID-19 chính là lời cảnh báo mạnh mẽ và rõ ràng nhất về sự gia tăng dân số báo động như hiện nay. Việc dân cư đông đúc tập trung tại các thành phố lớn đang tạo một áp lực rất lớn tới cơ sở hạ tầng đường xá, giao thông, bệnh viện và trường học.

Paris ô nhiễm và Paris trong lành nhờ lệnh giãn cách xã hội. 
Paris ô nhiễm và Paris trong lành nhờ lệnh giãn cách xã hội. 

Do đó, sau dịch bệnh này, việc quy hoạch đồng đều, hợp lý các thành phố lớn và vùng lân cận sẽ là một bài toán cần quan tâm đúng mức và triển khai nhanh chóng. 

Mặt khác, sau khoảng gần 3 tháng khi đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu, một mặt tích cực rõ nhất chúng ta nhìn thấy từ đại dịch này chính là sự cải thiện môi trường. Trái đất có vẻ được nghỉ ngơi, ít khí thải hơn, chim thú cũng nhởn nhơ hơn.

Các vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện ra sự sụt giảm lớn về nồng độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Italy khi hàng triệu người đã bị buộc ở trong nhà hoặc cách ly để làm chậm sự lây lan của virus.

Các hoạt động công nghiệp tại Vũ Hán, điểm nóng COVID-19 bị đình trệ và đi lại ở Trung Quốc bị hạn chế, có nghĩa là giao thông hàng không, đường sắt và đường bộ đã bị tạm dừng hoặc thu hẹp lại ở một số khu vực.

“Đám mây” nitơ dioxide đã "đậu" trên Trung Quốc vào tháng 1 dường như "bốc hơi" vào tháng 2. Các nhà khoa học của NASA cho biết, việc giảm phát thải tương tự đã được quan sát thấy ở các quốc gia khác trong thời kỳ này.

Tại Italy, sau lệnh phong tỏa cả đất nước, các kênh rạch nước bắt đầu trong hơn, có thể nhìn thấy rõ những con cá bơi dưới nước. Một số người dân ở Venice bắt gặp những chú thiên nga trắng muốt xuất hiện trên những con kênh trong thành phố. Nhiều đài phun nước ở Rome cũng trở nên lạ lẫm không kém khi xuất hiện của những chú vịt thảnh thơi bơi lội.

Các nhà khoa học dự đoán khí thải nhà kính thời gian này có thể đạt mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
Các nhà khoa học dự đoán khí thải nhà kính thời gian này có thể đạt mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Tại Mỹ, khi người dân giảm bớt di chuyển không cần thiết do dịch COVID-19, New York đang trải qua sự sụt giảm đáng kể khí carbon dioxide, methane, và lượng khí thải carbon monoxide. Ở New York, lượng carbon dioxide trong khí quyển giảm từ 5 đến 10%. Và lượng khí thải carbon monoxide liên quan đến ô tô đã bị cắt giảm một nửa kể từ khi mọi người bắt đầu ở nhà càng nhiều càng tốt. 

Ngay tại Hà Nội và TP.HCM, trước và sau Tết chúng ta thấy ngay hai hình ảnh đối lập rõ rệt. Trước Tết, người ra đường gần như chẳng được thấy ánh mặt trời mà chỉ một màu trắng đục của bụi mịn trong nhiều ngày liền. Sau Tết, do học sinh sinh viên được nghỉ học, người dân công sở hạn chế đi lại hơn thì sự thoáng đãng, không khí trong lành trở nên rõ rệt.

Điều đó chứng tỏ cho việc, mật độ dân số đông và các phương tiện giao thông hiện nay đang là nguyên nhân lớn dẫn đến việc ô nhiễm môi trường tại đô thị và các quốc gia. Một lời cảnh báo mạnh mẽ khiến chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ môi trường và sinh quyển. 

Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc giảm phát thải quan sát được chỉ là tạm thời và khi các thành phố, quốc gia và nền kinh tế phục hồi trở lại sẽ tiếp tục phát thải, trừ khi từ những bài học trong đại dịch, con người sẽ có những thay đổi lớn trong xã hội.

COVID-19 chắn chắn sẽ đi qua nhưng những ảnh hưởng của nó vẫn còn tồn tại rất lâu sau đó. Nó để lại những bài học lớn cần cả thế giới rút ra và sửa đổi để tiến tới một trái đất, một loài người trở nên tốt đẹp hơn phía sau đại dịch.

AN LY (t/h)

COVID-19 không khác gì 'Chiến tranh Thế giới thứ ba'

COVID-19 không khác gì "Chiến tranh Thế giới thứ ba"

Ngày 21/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1930.