Hơn 5,3 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu

Tính đến 10h sáng 23/5, thế giới ghi nhận hơn 5,3 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và hơn 340.000 ca tử vong vì dịch bệnh.

Mỹ chịu tác động nặng nề nhất với hơn 1,6 triệu ca mắc và hơn 97.600 ca tử vong. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gửi gần 5 tỷ USD để giúp các viện dưỡng lão đối phó với COVID-19 .

Khoản viện trợ được Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh (DHHS) phân phối cho các viện dưỡng lão có thể được sử dụng nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm, mua sắm thiết bị bảo hộ cho nhân viên, thuê thêm nhân công và chi trả các chi phí khác liên quan đến đại dịch.

Tuy nhiên, các nhóm thương mại đại diện cho các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn cho biết số tiền 5 tỷ USD là không đủ mà cần ít nhất lên tới 10 tỷ USD để đối phó với đại dịch COVID-19 tại các cơ sở chăm sóc dài hạn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã yêu cầu các thống đốc cho phép các nhà thờ mở cửa trở lại ngay lập tức. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ ban hành hướng dẫn cho các nhà thờ khi mở cửa trở lại an toàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng các nhà thờ có thể trở thành điểm nóng về nhiễm COVD-19 trong cộng đồng nếu các yêu cầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt không được áp dụng.

Trong khi đó, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng Nam Mỹ hiện đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch COVID-19. Trong cuộc họp báo ở Geneva, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, tiến sĩ Michael Ryan nhấn mạnh Nam Mỹ đã trở thành một "tâm chấn" mới của dịch bệnh này, trong đó Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong khi đó, Tổ chức phi chính phủ Hành động chống Đói nghèo (AAH) cảnh báo đại dịch có thể khiến khu vực Mỹ Latinh có thêm 29 triệu người nghèo, cũng như đối diện những thách thức từ việc di dân ồ ạt.

Trong một thông cáo chính thức, AAH bày tỏ "đặc biệt quan ngại các việc người di cư trở về bản quán do kinh tế đình đốn và tình trạng báo động của các cộng đồng thổ dân tại các vùng biên giới" đồng thời nhận định "Mỹ Latinh lo sợ nạn đói mà COVID-19 gây ra còn hơn cả bản thân đại dịch này".

Ở châu Âu, tại cuộc họp về tình hình vệ sinh – dịch tễ, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) không loại trừ làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai có thể xảy ra tại nước này vào mùa Thu năm nay.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể bắt đầu lây lan nhanh và mạnh trong khoảng thời gian tháng 10-11/2020. Ông yêu cầu Bộ Y tế Nga cần sẵn sàng cho tình huống này. Ông cho rằng bên cạnh việc từng bước dỡ bỏ các hạn chế, chính quyền các cấp cần phải tính tới các khuyến cáo về nguy cơ lây lan virus mà các chuyên gia Nga đã đưa ra.

Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này là 326.448 ca trong đó số ca tử vong là 3.249 ca, tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức khoảng 1%. Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) thông báo có từ 5 đến 6 loại vaccine triển vọng để phòng bệnh COVID-19 đang có kết quả khả quan và dự kiến sẽ được công nhận vào mùa Xuân năm 2021.

Mặc dù các nghiên cứu đang cho kết quả khả quan, nhưng AIFA cho biết sẽ không thể có vaccine phòng COVID-19 vào tháng 9, thời điểm hợp lý có thể vào mùa Xuân hoặc mùa Hè năm sau.

Từng là tâm dịch của châu Âu, hiện số ca nhiễm mới đang giảm tại tất cả các vùng Italy, đường cong dịch bệnh đang ổn định và phẳng dần, song giới chức y tế Italy nhận định virus vẫn đang lây lan và không loại trừ khả năng gia tăng trong những tuần tới đồng thời khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Không chỉ trực tiếp đẩy hệ thống y tế các quốc gia vào tình trạng quá tải với số lượng bệnh nhân tăng nhanh mỗi ngày, đại dịch COVID-19 còn đang khiến cho 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn thế giới gặp nguy hiểm do gián đoạn các chương trình tiêm chủng thông thường.

Đây là cảnh báo mà Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) mới đưa ra, trong đó nhấn mạnh ác đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng các chương trình tiêm chủng ở hàng chục quốc gia, mở đường cho sự hồi sinh của các loại bệnh gây chết người.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các phân tích ban đầu cho thấy việc cung cấp các dịch vụ tiêm chủng thông thường gặp một số trở ngại ở ít nhất 68 quốc gia và có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi sống ở những quốc gia này.

Điều này có nguy cơ khiến hàng chục triệu trẻ em ở cả nước giàu và nước nghèo có khả năng mắc các bệnh gây chết người như bạch hầu, sởi và viêm phổi.

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương