Đây là buổi đối thoại đầu tiên được tổ chức sau khi TP.HCM hoàn tất sáp nhập địa giới hành chính.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã phản ánh những vướng mắc đang gặp phải và đưa ra loạt đề xuất nhằm tăng cường sức hút cho du lịch thành phố. Đặc biệt tại các khu vực ven biển như Vũng Tàu, Hồ Tràm, Bình Châu, Phước Hải, được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả do hạn chế về kết nối hạ tầng.
![]() |
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM lần thứ 262 diễn ra tại TP.HCM, ngày 18/7/2025. |
Theo bà Ngô Chánh Nga, đại diện Công ty Du lịch sinh thái Xuyên Mộc - Hồ Tràm, tuyến đường bờ biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu rất đẹp nhưng thiếu tuyến xe buýt kết nối liên vùng, khiến việc di chuyển của du khách gặp khó khăn. “Hiện nay nếu đi từ Vũng Tàu tới Xuyên Mộc hoặc ngược lại, du khách phải thuê xe riêng với chi phí từ 700.000 đến 800.000 đồng, mức giá cao và bất tiện. Nếu được hỗ trợ, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vận hành tuyến xe buýt trong khu vực”, bà Nga đề xuất.
Ngoài phương tiện giao thông, khu vực Xuyên Mộc về đêm cũng thiếu vắng các hoạt động giải trí ban đêm, khiến thời gian lưu trú của du khách ngắn trong khi các sản phẩm du lịch còn rất nhiều.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Sở Du lịch TP.HCM tăng cường quảng bá đến nhóm khách quốc tế, một tệp khách được xem là lợi thế sẵn có của thành phố, góp phần ổn định công suất dịch vụ trong mùa thấp điểm.
Bà Nguyễn Thị Thùy Nga, giám đốc kinh doanh resort Lan Rừng (Phước Hải) cho rằng: “Từ tháng 9 trở đi, lượng khách nội địa giảm mạnh. Nếu tiếp cận được khách quốc tế, công suất phòng có thể duy trì quanh năm. Chúng tôi kỳ vọng có thêm hoạt động quảng bá và đầu tư giao thông, hạ tầng cho khu vực ven biển”.
![]() |
Khách du lịch tắm biển tại phường Vũng Tàu, TP.HCM. |
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, sau khi có chủ trương sáp nhập địa giới, Sở đã thu thập dữ liệu từ các khu vực mới. Trong giai đoạn đầu, khoảng 500 điểm đến tại Thành phố mở rộng sẽ được công bố để doanh nghiệp và du khách tham khảo, khai thác.
Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp cùng chuyên gia để tái định vị hệ thống sản phẩm du lịch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhằm phát huy tối đa tài nguyên hiện có và phát triển sản phẩm mới theo đặc trưng vùng miền.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, TP.HCM đón 3,85 triệu lượt khách quốc tế (tăng 44% so với cùng kỳ năm trước) và 18,3 triệu lượt khách nội địa (tăng 7% so với cùng kỳ), tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 118.000 tỷ đồng.
Với sự đa dạng sản phẩm du lịch, cùng việc bổ sung khoảng 500 điểm đến mới, giới chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng TP.HCM sẽ cán đích mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế và 45 triệu lượt khách nội địa trong năm 2025, đưa ngành du lịch trở thành đầu tàu kích thích tăng trưởng kinh tế vùng và thúc đẩy liên kết liên tỉnh.
Hàng loạt tour giảm giá chờ người dân tại Ngày hội Du lịch TP.HCM
Ngày 28/3, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố công bố thông tin Ngày hội Du lịch thành phố lần thứ 19 năm 2023.