Novaland rót hơn 1.600 tỷ đồng vào công ty con để làm tài sản thế chấp cho trái phiếu

Tập đoàn Novaland vừa rót thêm 1.612,5 tỷ đồng vào Bất động sản An Phát rồi dùng chính khoản này làm tài sản thế chấp cho đợt trái phiếu 95 tỷ đồng.

Ngày 7/8, HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va ( Novaland ) đã phê duyệt phương án góp thêm vốn vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Phát .

Cụ thể, Novaland góp thêm 1.612,5 tỷ đồng vào An Phát. Sau thương vụ, vốn điều lệ của An Phát tăng đến 81 lần, từ 20 tỷ đồng lên 1.632.5 tỷ đồng. Theo đó, Tập đoàn Novaland cũng gần như “mua đứt” Bất động sản An Phát với tỷ lệ sở hữu 99,9999%.

Doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn sẽ sử dụng nguồn vốn huy động từ việc phát hành trái phiếu hoặc các hình thức khác để góp vốn vào An Phát trong một hoặc nhiều đợt. Thời gian góp vốn là quý III/2020.

Cùng ngày, HĐQT Novaland cũng phê duyệt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng khối lượng phát hành tối đa 95 tỷ đồng. Trái phiếu được phát hành một đợt vào quý III/2020 có kỳ hạn 24 tháng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có lãi suất trong ba tháng đầu tiên là 10,5 %/năm. Ở các kỳ tính lãi sau, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với 4,2 %/năm. Novaland lấy lãi trung bình của tiền gửi tiết kiệm 12 tháng ở BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Techcombank để tính lãi suất tham chiếu.

Đợt phát hành trái phiếu này được Novaland giải trình là để tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư. Đối tượng phát hành bao gồm cả cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước.

Đáng nói, Tập đoàn Novaland lấy toàn bộ phần góp vốn của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Phát làm tài sản đảm bảo.

Bất động sản An Phát là công ty vừa được thành lập vào ngày 6/8 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Người đại diện pháp luật, Chủ tịch hội đồng thành viên là bà Huỳnh Phương Thảo, chiếm 0,01% tỷ lệ khi mới thành lập công ty.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo cho 95 tỷ đồng trái phiếu lần này còn có toàn bộ cổ phần của Công ty Cổ phần No Va Phù Sa. Song song đó, Novaland còn thế chấp cả quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa No Va Phù Sa với An Phát và quyền tài sản phát sinh từ việc chuyển nhượng dự án Cồn Ấu cho No Va Phù Sa.

Đợt phát hành trái phiếu này còn được đảm bảo bằng toàn bộ động sản và tài sản liên quan đến dự án sân golf Cồn Ấu và toàn bộ động sản, quyền tài sản, quyền khác liên quan đến dự án khu biệt thự Cồn Ấu .

Khu resort Azerai Phù Sa đã được đưa vào hoạt động. Ảnh: Booking.com
Khu resort Azerai Phù Sa đã được đưa vào hoạt động. Ảnh: Booking.com

Dự án Cồn Ấu gồm dự án sân golf Cồn Ấu rộng 77,31 ha và dự án khu biệt thự Cồn Ấu rộng 24,7 ha tại phường Hưng Phú (Cái Răng, TP. Cần Thơ). Trong đó, dự án khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu có tổng diện tích 19,434 ha với tổng mức đầu tư hơn 708,7 tỷ đồng, bao gồm khu trung tâm - dịch vụ - vui chơi, khu công trình du lịch (bungalow và biệt thự nghỉ dưỡng), thể dục - thể thao,… Hiện tại, khu resort - khách sạn đã hoàn thành và đưa vào vận hành với tên gọi Azerai Phù Sa.

Trong khi đó hồi tháng 7/2019, có thông tin cho rằng Công ty Cổ phần Vinpearl thuộc tập đoàn Vingroup được UBND TP. Cần Thơ chỉ định là nhà đầu tư duy nhất thực hiện dự án Khu biệt thự Cồn Ấu. Dự án này cũng từng vướng lùm xùm khi Novaland chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Tân Phương Đông.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương