Bitcoin rơi tự do về vùng 49.000 USD, thị trường rực lửa

Giá Bitcoin ngày 5/12 rơi tự do xuống đáy, kéo theo một loạt các đồng tiền ảo khác lao dốc, giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng qua.

Lúc 10h ngày 5/12 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin trên CoinDesk đang được giao dịch ở mức 49.026 USD, giảm mạnh 7,68% so với 24 giờ trước.

Trong 24 giờ gần nhất, giá Bitcoin giao dịch cao nhất tại 53.407 USD, và giao dịch thấp nhất ghi nhận tại 42.019 USD.

Dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy, lượng Bitcoin giao dịch trong 24 giờ qua vào khoảng 61,3 tỷ USD, vốn hóa thị trường ghi nhận mức 926 tỷ USD.

Trên Vicuta, giá tiền ảo hàng đầu giao dịch tại 1,159 - 1,213 tỷ đồng (giá mua - giá bán).

Theo nhà phân tích tiền điện tử Plan B, việc Bitcoin biến động không có giá quá lo lắng vì sau mỗi lần điều chỉnh mạnh giá tiền ảo này luôn có xu hướng đi lên mức cao hơn. “Bitcoin luôn có những đợt điều chỉnh 30%, 32%, 38%… điều này là bình thường. Luôn ghi nhận sự sụt giảm mạnh trước mỗi đợt tăng giá của Bitcoin”, Plan B nhấn mạnh.

Thậm chí, một số nhà đầu tư xem đây là cơ hội để "bắt đáy". Tổng thống EI Salvador Nayib Bukele đã thông báo mua thêm 150 Bitcoin với mức giá quanh 48.700 USD, theo VTC News.

Tuy vậy, đà giảm Bitcoin khiến thị trường tiền ảo lập tức rơi vào “bão lửa”. Hàng loạt tiền mã hóa giảm sâu. Cụ thể, Ethereum giảm 2,8% về 4.086 USD, Binance Coin giảm 4,8% về 564 USD, Tether giảm 0,12% về 1 USD, Solana giảm 5% về 203,5 USD.

Tương tự Cardano giảm 8,6% về 1,43 USD, Ripple giảm 8,2% về 0,851 USD, Polkadot giảm 12,9% về 29,4 USD…

Tổng vốn hóa toàn thị trường “bốc hơi” 6,6% ghi nhận xuống mức thấp chỉ 2.310 tỷ USD.

Bitcoin, ethereum và một loạt các đồng tiền ảo khác đã lao dốc, giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng qua khiến các nhà đầu tư hoang mang và khó dự đoán diễn biến thị trường.

Hiện nay, ethereum giảm khoảng 15%. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy mối lo ngại rủi ro đang lan rộng trên thị trường tài chính.

Sự dao động trong thị trường bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung chịu ảnh hưởng của thị trường tài chính toàn cầu. 

Lạm phát tăng cao đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Biến thể Omicron mới và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cũng dẫn đến sự lo lắng về rủi ro ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi. 

Thực tế, chứng khoán toàn cầu cũng đã giảm hơn 4% so với mức kỷ lục hồi tháng 11, trong khi các tài sản lưu trữ an toàn như trái phiếu kho bạc tại Mỹ lại tăng.

Theo ông Vijay Ayyar, người đứng đầu sàn giao dịch Luno khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore, một số người mua bitcoin đã bị "loại bỏ" khi thị trường giảm quá mạnh vào hôm qua (4/12). 

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương