‘Vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn: Hàng hiệu vẫn bán đều đều cho nhà giàu mùa dịch

“Tôi tung nhân viên ra hết, gửi sản phẩm mới từ Pháp, Luân Đôn. Chúng tôi gửi hình cho họ, nói chúng em có tại Việt Nam đây. Chị cần, em mang đến ngay. Nhờ vậy, doanh số tăng 15% chứ không đi xuống”, ông Hạnh Nguyễn nói.

Chia sẻ về bí quyết vượt qua đại dịch COVID-19 tại một buổi trò chuyện mới đây ở TP.HCM, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) - " vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn , cho biết mảng kinh doanh hàng hiệu của IPP rất được quan tâm trong mùa dịch. 

Tuy nhiên, không phải quan tâm có bị ảnh hưởng nặng nề hay không, mà là đón nhận sự quan tâm lớn của giới nhà giàu.

"Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn: Hàng hiệu vẫn bán chạy đều đều cho nhà giàu. 

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương do ông Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch đang là đối tác phân phối độc quyền của hơn 100 thương hiệu hàng đầu thế giới, chiếm 70% thương hiệu thời trang và mỹ phẩm cao cấp tại Việt Nam, trong đó có nhiều cái tên nổi bật như Rolex, Burberry, D&G, Versace… 

Ông Hạnh Nguyễn tiết lộ mảng kinh doanh hàng hiệu thậm chí đạt kết quả ngoài mong đợi, trái ngược 100% so với các lĩnh vực khác. Bởi Covid-19 khiến nhóm người giàu, đại gia không bay sang Singapore, Hong Kong, đi Châu Âu mua được, và đã mua hàng hiệu ngay tại Việt Nam.

“Tôi tung nhân viên ra hết, gửi những sản phẩm mới từ Pháp, Luân Đôn. Chúng tôi gửi hình cho họ, nói chúng em có tại Việt Nam đây anh chị. Anh chị cần, chúng em mang đến ngay. Nhờ vậy, doanh số tăng 15% chứ không đi xuống”, Chủ tịch IPP nói. 

Ông cũng khẳng định một thực tế là “trong dịch, thực tế thì người nghèo, người thu nhập từ lương khó khăn, nhưng người giàu đâu có khó khăn”, nên hàng hiệu bán rất chạy. Ngoài tăng doanh thu, tập đoàn của ông Hạnh cũng tiết giảm chi phí đáng kể do không mở cửa hàng, và được giảm tiền thuê mặt bằng, cắt giảm chi phí đến 20%. Vì vậy, ông khẳng định mảng hàng hiệu vẫn có lãi.

Tuy nhiên, Chủ tịch IPP nói thêm Nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh và Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) là 2 công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19.

Tại Nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh, do chỉ tập trung hoàn toàn vào khách du lịch quốc tế nên bị tác động nghiêm trọng nhất.

“May mắn trước đó có lãi và chúng tôi không chia lãi, lấy lãi đó làm quỹ dự phòng, nên sân bay quốc tế Cam Ranh tới 5 năm nữa vẫn an toàn”, ông Hạnh nói.

Tại Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông Hạnh, từ khi dịch xảy ra, công ty phải linh hoạt chuyển toàn bộ nhân viên mảng quốc tế sang nội địa, và cắt giảm thời gian làm việc để không sa thải.

“Tổng công ty chúng tôi có quỹ dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng, chúng tôi giữ lại, khi nào cần sẽ tung ra. Đây là thời điểm cần tung ra, nhưng chúng tôi xác định cũng chưa cần. Bởi các công ty đã tự cân đối được, ngay cả Cam Ranh và SASCO”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Chia sẻ thêm về các chính sách hỗ trợ hiện nay của Chính phủ, ông Hạnh cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng gỡ khó cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Còn những doanh nghiệp lớn nếu tự đứng được, tự phục hồi được thì không cần phải "quăng" phao cứu sinh.

Ông cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ đừng để xảy ra tình trạng gói 62.000 tỷ đồng vẫn còn đó, trong khi nhiều doanh nghiệp sống dở chết dở. Chính phủ có thể đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do mạnh mẽ hơn nữa, để tạo động lực nâng đỡ các doanh nghiệp Việt Nam.

MINH QUỐC

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương