Anh chính thức rời EU, hàng nghìn người ủng hộ Brexit ăn mừng

Anh rời EU vào 23h ngày 31/1 (6h giờ Hà Nội ngày 1/2), chấm dứt khoảng thời gian 47 năm làm thành viên "bất đắc dĩ".

Hàng nghìn người ủng hộ Brexit tập trung bên ngoài quốc hội Anh vẫy cờ, hò reo và hát. "Đây là một ngày tuyệt vời", Tony Williams, 53 tuổi, đến từ đông nam London, nói. "Kể từ 23h, chúng tôi được tự do, chúng tôi đã làm được".

"Đối với nhiều người, đây là một khoảnh khắc hy vọng đáng kinh ngạc, khoảnh khắc mà họ từng nghĩ sẽ không bao giờ đến", Thủ tướng Boris Johnson , người dẫn đầu chiến dịch Brexit, nói trong bài phát biểu tại London ngày 31/1. "Công việc của chính phủ, công việc của tôi, là khiến đất nước đoàn kết và tiến về phía trước".

Đối với Anh, quốc gia từng vật lộn trong giai đoạn hậu Thế chiến 2 khi chuyển từ một đế quốc toàn cầu thành một thành viên bất đắc dĩ của khối châu Âu, việc rời khỏi EU là một sự ra đi có ý nghĩa và tác động to lớn.

Việc rời khỏi EU sẽ thúc đẩy những quan hệ vốn trì trệ trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội (vì ràng buộc của EU), các vấn đề an ninh và kinh tế, trong khi đặt ra cho nước Anh những câu hỏi mới về bản sắc dân tộc.

Người ủng hộ Brexit tập trung ở Quảng trường Quốc hội ở London ngày 31/1. Ảnh: AFP.
Người ủng hộ Brexit tập trung ở Quảng trường Quốc hội ở London ngày 31/1. Ảnh: AFP.

Đã 3 năm rưỡi kể từ khi thủ tướng tiền nhiệm, bà Theresa May, khẳng định "Brexit có nghĩa là Brexit", chính phủ Anh sau nhiều sóng gió cuối cùng cũng định đoạt được ý nghĩa của Brexit.

Nay, với việc đã chính thức rời EU, Anh vẫn sẽ phải tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại trong tương lai với EU. Đây được dự báo là một tiến trình gai góc, có thể kéo dài tới hết năm 2020 hay thậm chí lâu hơn.

Anh gia nhập EU vào năm 1973. Khủng hoảng khu vực đồng Euro, lo ngại về nhập cư ồ ạt và tính toán sai lầm của cựu thủ tướng David Cameron đã dẫn đến tỷ lệ bỏ phiếu 52% ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Brexit vốn được lên kế hoạch xảy ra vào ngày 29/3/2019, hai năm sau khi cựu thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cơ chế quy định cách quốc gia thành viên rời khỏi khối. Nhưng thời hạn này đã bị trì hoãn nhiều lần vì rắc rối trong việc thiết lập thỏa thuận với EU, quy định các khía cạnh trong quan hệ Anh - EU hậu Brexit.

Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn Brexit hôm 23/1, sau khi quốc hội Anh thông qua Thỏa thuận Anh rời EU (WAB). Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua Brexit ngày 29/1. Quá trình chuyển giao sẽ kéo dài đến 31/12. Trong thời gian này, Anh vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định và luật của EU, nhưng không có tiếng nói trong mọi quyết định của khối. 

Đối với những người ủng hộ, Brexit là "ngày độc lập" - lối thoát để tránh khỏi gánh nặng với liên minh. Họ hy vọng cuộc chia tay sẽ đem đến những cải cách để định hình lại nước Anh và thúc đẩy họ vượt mặt các đối thủ châu Âu.

Trong khi đó, những người phản đối nói rằng Brexit sẽ làm suy yếu phương Tây, suy yếu nền kinh tế Anh và cô lập họ. David Tucker, 75 tuổi, cho biết ông diễu hành tại London với hy vọng về viễn cảnh Anh sẽ tái gia nhập EU.

"Đây là một thảm kịch", ông nói. "Chúng ta từng là một phần của khối kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Bây giờ chúng ta chỉ là một hòn đảo hướng nội sẽ ngày càng nhỏ lại".

MINH TUẤN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương