"Trong những ngày tới, trước tiên chúng tôi sẽ chuyển 4 chiếc máy bay đang hoạt động bình thường tới Ukraina, nếu tôi nhớ không nhầm", ông Duda nói trong một cuộc họp báo ở Warsaw.
Ông Duda nói rằng lực lượng không quân Ba Lan sẽ thay thế các máy bay mà nước này cung cấp cho Kiev bằng máy bay phản lực FA-50 do Hàn Quốc sản xuất và F-35 của Mỹ.
Với việc chuyển giao này, Ba Lan trở thành thành viên NATO đầu tiên chuyển giao các máy bay chiến đấu cho Kiev.
Các nhà lãnh đạo Ba Lan cho biết tuần trước rằng, việc gửi máy bay chiến đấu sẽ chỉ được thực hiện trong một liên minh quốc tế lớn hơn. Slovakia cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp máy bay MiG-29 cho Kiev.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm thứ Ba nói rằng Warsaw có thể gửi máy bay của mình trong vòng vài tuần, nhưng không làm rõ liệu có bất kỳ liên minh nào sẵn sàng làm theo hay không.
Lực lượng không quân Ukraina đã quen thuộc với máy bay MiG và có thể lái chúng ngay lập tức mà không cần huấn luyện thêm.
Quyết định gửi máy bay chiến đấu của Ba Lan diễn ra sau nhiều tuần Ukraina kêu gọi chuyển giao các máy bay chiến đấu hiện đại hơn do phương Tây sản xuất như F-16.
Các quan chức Hoa Kỳ hôm thứ Năm cho biết quyết định của họ về việc cung cấp F-16 cho Kyiv không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Ba Lan và phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby nói với các phóng viên rằng: "Điều đó không thay đổi tính toán của chúng tôi liên quan đến F-16".
Lực lượng Không quân Ukraina đã vận hành các máy bay chiến đấu Su-24, Su-25 và MiG-29 từ thời Liên Xô, có nghĩa là các phi công của Ukraina đã quen thuộc với các hệ thống này.
Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ về chính sách châu Âu và NATO, đã giải thích vào tháng 1 này lý do tại sao ông nghĩ MiG sẽ là lựa chọn tốt hơn cho lực lượng Ukraina trong thời gian ngắn.
"Chúng là những máy bay mà Ukraina đã bay trước đây và có thể để những chiếc máy bay đó được gửi đến Ukraina, Mỹ có thể bổ sung thêm F-16 cho quốc gia đang từ bỏ máy bay Liên Xô cũ".
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với quốc hội vào tháng 1 rằng Đức đã rõ ràng ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến rằng sẽ không gửi máy bay chiến đấu.
"Tôi đã nói rõ từ rất sớm rằng chúng ta không nói về máy bay chiến đấu, và tôi cũng đang làm như vậy ở đây", ông Scholz nói.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy trong chuyến thăm bất ngờ vào tháng trước tới Vương quốc Anh, Pháp và Brussels, nơi có các tổ chức của Liên minh châu Âu, đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ đối với các máy bay phản lực.
Washington chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc sẽ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraina hay cho phép các nước khác tái xuất máy bay F-16 của họ.
(AP, Reuters)