Bất chấp năm toàn cầu lâm vào thế khó, GenZ tìm mọi cách tự giải thoát nhằm "không để ai làm chủ mình"

GenZ coi khởi nghiệp và tự đầu tư làm giàu là "tấm vé" duy nhất để được tự do, thoát cảnh đi làm thuê.

Không hài lòng với việc chỉ có một nguồn thu nhập từ lương, muốn nhanh chóng thoát cảnh phải đi làm thuê cho người khác, tinh thần khởi nghiệp và làm giàu của GenZ đang hừng hực hơn bao giờ hết.

Xu hướng tự làm chủ để được tự do của GenZ thế giới

Tháng 1/2023, Tổ chức thanh niên phi lợi nhuận Junior Achievement (Mỹ) công bố kết quả cuộc khảo sát về mong muốn khởi nghiệp của giới trẻ Mỹ: Khoảng 60% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi khẳng định họ muốn bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, thay vì đi làm thuê; trong đó, 40% GenZ đã thực sự đạt được mục tiêu không để ai làm chủ mình với hình thức làm việc tự do (freelancer).

Nếu cảm thấy nước Mỹ quá xa xôi, hãy thử "ngó" sang đất nước tỷ dân Trung Quốc ngay gần chúng ta, để thấy làn sóng khởi nghiệp của GenZ xứ Trung cũng rất mạnh mẽ: Trên Bilibili - Một nền tảng video phổ biến với GenZ Trung Quốc, nội dung liên quan đến tinh thần kinh doanh, tự làm chủ đã nhận được 830 triệu lượt xem vào năm 2021, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo Phát triển Doanh nhân Thanh niên Trung Quốc được công bố vào cuối năm 2022 cũng cho thấy số lượng những doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong độ tuổi 23-30 đã tăng 4,7% so với năm trước, bất chấp những khó khăn sau đại dịch Covid-19 ở đất nước này.

GenZ - Thế hệ người trẻ không muốn để ai làm chủ mình
GenZ - Thế hệ người trẻ không muốn để ai làm chủ mình

Nhiệt huyết luôn căng tràn nhưng hiện thực liệu có dễ dàng, trơn tru?

Dong Zhenzhen (23 tuổi): Làm việc 18 tiếng/ngay sau khi tự làm chủ

Zhenzhen tốt nghiệp khoa Giáo dục ngôn ngữ của một trường Đại học ở Thành Đô. Sau khi nhận tấm bằng cử nhân, Zhenzhen nhanh chóng nhận ra mình đã "nhầm đường". Cô muốn một công việc mang lại cho mình sự tự do, thúc đẩy khả năng sáng tạo và mang lại nguồn thu nhập có tiềm năng phát triển nhanh chóng. Trở thành giáo viên không đáp ứng bất kỳ mong đợi nào của Zhenzhen.

Thế nên ngoài việc đi dạy theo giờ, Zhenzhen quyết định khởi nghiệp với dịch vụ tư vấn xây dựng thương hiệu cho cá nhân hoặc các công ty/doanh nghiệp nhỏ mới thành lập. Một mình Zhenzhen "cân" hết mọi đầu việc, từ thiết kế hình ảnh cho tới lên chiến lược marketing.

Sau hơn 2 tháng, Zhenzhen chính thức dừng công việc đi dạy và tập trung dồn toàn sức lực cho việc khởi nghiệp sau khi tìm được 1 khách hàng cá nhân và 2 công ty nhỏ với 10 nhân sự, mới thành lập. Vì một mình làm hết nên mỗi ngày, ZhenZhen chỉ ngủ tối đa 5 tiếng, khoảng thời gian còn lại đều "đầu tắt mặt tối với công việc".

Thời gian và sức lực chính là nguồn vốn duy nhất mà Zhenzhen đã bỏ ra để khởi nghiệp. Cô bạn này may mắn chưa phải "gồng lỗ".

Zhengzheng ăn nằm với công việc, phòng trọ cũng chính là “trụ sở công ty”
Zhengzheng ăn nằm với công việc, phòng trọ cũng chính là “trụ sở công ty”

Hu Ling (25 tuổi): Ôm mộng thoát nghèo nhờ chứng khoán, cuối năm vẫn chưa thể "về bờ"

Không được may mắn như Zhenzhen, năm 2023 của Hu Ling có phần trắc trở. Hu Ling tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính, hiện tại đang làm đúng chuyên ngành. Không hài lòng với việc chỉ có 1 nguồn thu nhập từ lương, Hu Ling quyết tâm tự học, từ tìm hiểu và đầu tư chứng khoán. Tính đến thời điểm hiện tại, Hu Ling đã đầu tư 19.760 Nhân Dân tệ (khoảng 67,6 triệu đồng) vào chứng khoán trong năm qua. Tuy nhiên, Hu Ling vẫn chưa thể "về bờ" và hiện tại đang bị âm khoảng 12.185 Nhân Dân tệ (khoảng 41,7 triệu đồng).

Số tiền mà Hu Ling đổ vào thị trường chứng khoán là toàn bộ tiền tiết kiệm từ thời còn là sinh viên và một phần tiền lương mỗi tháng.

Hu Ling có phần hối hận vì sự “bạo tay” của mình khi mới dấn thân vào con đường đầu tư làm giàu
Hu Ling có phần hối hận vì sự “bạo tay” của mình khi mới dấn thân vào con đường đầu tư làm giàu

Keith (26 tuổi): Nhận ra tiềm năng khởi nghiệp trong thời kỹ giãn cách xã hội với thú vui đan len

Năm 2021, trong khoảng thời gian phải "bó chân ở nhà" vì đại dịch Covid-19, Keith mới có thời gian để quay lại đam mê đan len của mình. Ngoài thời gian làm việc tại nhà (khoảng 8-9 tiếng/ngày), gần như toàn bộ thời gian còn lại, Keith đều đan một thứ gì đó. Sau hơn 2 tháng, cô đã có một "bộ sưu tập" gồm 4 chiếc mũ len, 7 món đồ chơi hình động vật.

Nhìn thành quả của mình nằm trơ chọi một góc vô nghĩa, Keith quyết định chụp ảnh từng món đồ và đăng bán trên Etsy - Một nền tảng mua sắm trực tuyến với sản phẩm chính là đồ thủ công.

Những sản phẩm đầu tiên mà Keith đăng bán trên Etsy
Những sản phẩm đầu tiên mà Keith đăng bán trên Etsy

Không thể ngờ, cả 7 món đồ mà Keith đăng bán đã "hết veo" chỉ sau 3 tiếng đồng hồ. Điều này khiến Keith nhận ra tiềm năng của ngành hàng đồ chơi bằng len/đồ chơi thủ công cho trẻ nhỏ.

Đến đầu năm 2022, Keith quyết định chấm dứt việc đi làm thuê và ngồi nhà đan len cả ngày. Hiện tại, thú vui đan len này đang "nuôi" Keith, giúp cô có một cuộc sống ổn định mà không cần phải nơm nớp lo sợ làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự sẽ khiến mình lao đao.

Tạm kết

Không giống các thế hệ trước, GenZ là những người luôn tự tin hiểu rõ bản thân, không mất quá nhiều thời gian và cũng không bế tắc trên hành trình tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Mình là ai? Mình thích hoặc không thích làm gì?".

Theo Anphabe - Hãng tuyển dụng hàng đầu châu Á, có tới 81% những người trẻ GenZ (thế hệ sinh ra từ giữa thập niên 90 tới đầu những năm 2000) tự tin khẳng định họ hiểu rõ bản thân và biết mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai.

Với tất cả những dữ liệu đã liệt kê, cùng câu chuyện của 3 bạn trẻ Dong Zhenzhen, Hu Ling và Keith, có lẽ cũng không hề sai nếu khẳng định: GenZ là thế hệ tiên phong khởi nghiệp, hoặc chí ít, cũng là thế hệ có quyết tâm "không để ai làm chủ mình" mãnh liệt nhất.

AMT

Những điều mà GenZ nên biết về lợi ích của thanh toán không tiền mặt!

Những điều mà GenZ nên biết về lợi ích của thanh toán không tiền mặt!

Ngày nay, thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành xu thế tất yếu.