Cù Lao Xác Sống từng bị đánh giá là một trong những thảm họa của điện ảnh Việt. Nhưng không rõ vì lý do gì mà đạo diễn Nguyễn Thành Nam và nhà sản xuất Nhất Trung vẫn “cố đấm ăn xôi” cho ra tiếp phần hai mang tên Bến Phà Xác Sống. Thực chất thì bộ phim đã tốt hơn nhưng vẫn chưa tạo ra sự ấn tượng nào và trôi qua một cách nhạt nhẽo.
Nội dung Bến Phà Xác Sống tiếp nối những gì diễn ra trong Cù Lao Xác Sống trước đó. Diễm (Ốc Thanh Vân) bắt bé Na (Mona Bảo Tiên) về cho con gái đã hóa zombie của mình bầu bạn. Cậu bé Tài Anh (Huy Khang) lén bám theo xe để giải cứu cô bạn. Trong khi đó, những người sống sót còn lại cũng bị chia thành nhiều nhóm nhỏ.
Công (Huỳnh Đông), ông Tám (Tấn Thi), Kiệt (Trần Phong) và Trinh (Lê Lộc) buộc phải tìm đường tẩu thoát khỏi bầy xác sống. Hoàng (La Thành) và Cảnh (Xuân Nghị) mắc kẹt trong ngôi nhà hoang, còn Thư (Quỳnh Trang) và Dũng (Trung Huy) cũng bị xác sống bao vây. Họ vừa tìm cách thoát thân, vừa chạy đua với thời gian để đến được bến phà - con đường duy nhất thoát khỏi cù lao.
Đã bớt hài nhảm nhưng chưa đủ kinh dị
Hồi năm ngoái, Cù Lao Xác Sống từng khiến cả rạp phim phải bật cười vì những tình tiết ngô nghê và phản cảm như zombie quay mặt đi khi thấy Hoàng và Cảnh hôn nhau, bà Vàng (Thanh Hằng) hát cải lương để dụ xác sống đi chỗ khác… Ơn giời, Bến Phà Xác Sống đã không còn những thứ trên. Tuyến nhân vật của La Thanh và Xuân Nghị vẫn tấu hài nhưng đã có sự tiết chế rõ rệt, chỉ nằm ở một vài câu thoại và tình huống nhỏ.
Tạo hình của đàn xác sống vẫn là điểm sáng với ánh mắt trắng dã và làn da thối rữa khá ghê rợn. Bối cảnh phim dần đi vào thị trấn và có những màn rượt đuổi xuyên qua chợ hay khu phố, các nhân vật lợi dụng những sạp hang để trốn chạy. Đặc biệt, phần phim này còn có thêm loại zombie biến dị có tốc độ cao để tang sự kịch tính. Tuy nhiên, tất cả diễn ra một cách nhạt nhòa.
Xác sống vẫn bí ẩn như một ninja, bỗng nhiên xuất hiện từ hư vô rồi lại biến mất như chưa hề có cuộc chia ly. Không những thế, chúng cũng chỉ hiện thân trong những tình huống mang nặng tính sắp đặt mà đạo diễn muốn, còn lại thì nhất quyết không lộ diện. Những pha đối đầu với xác sống vẫn nhạt nhòa như xưa khi một cây gỗ hay thậm chí vài cái đấm là giải quyết được vấn đề.
Sự xuất hiện của zombie biến dị cũng chẳng tạo ra được sự thay đổi nào đáng kể. Không những thế, phim còn có một vài cảnh dài dòng không cần thiết. Đạo diễn Nguyễn Thành Nam sử dụng slow-motion hay cho nhân vật lặp đi lặp lại hành động dụ dỗ zombie mà chẳng có mục đích cụ thể nào mà thậm chí còn làm khán giả phải thở dài ngao ngán.
Nội dung dông dài, sến súa
Thật không ngờ chỉ với hành trình đi từ cù lao ra bến phà mà phải mất đến hai phần và hơn 3 tiếng phim thì các nhân vật mới làm được điều đó. Phát huy “thế mạnh” của Cù Lao Xác Sống, Bến Phà Xác Sống vẫn là những màn rượt đuổi, tìm kiếm rồi thất lạc nhau không hồi kết. Các nhóm nhân vật cứ tụ họp rồi lại chia ra rồi lại người này đi tìm người kia hết cả buổi trời vẫn chưa xong.
Những chiếc xe bên đường thì cứ bon bon chạy như thể chỉ cần năng lượng mặt trời nhưng mỗi khi gặp zombie thì chúng nhất định sẽ hết xăng. Các nhân vật thì chiến đấu, chạy nhảy từ sáng đến tối mà không thấy cần thực phẩm hay ngủ nghỉ nhưng một khi họ đang lén ăn bánh snack thì zombie nhất định sẽ xuất hiện. Đúng là thần giao cách cảm! Một vài nhân vật phụ thì xuất hiện rồi biến mất như một cơn gió, các vấn đề được đặt ra rồi cũng chẳng cần giải quyết.
Không có màn hát cải lương dụ zombie nhưng cả Bến Phà Xác Sống có thể ví như một vở cải lương sến súa. Phim cố tình đưa ra những sự hy sinh, những chi tiết nhấn mạnh tình cảm. Song, chúng không thể phát huy hiệu quả vì tác phẩm quá đỗi nhạt nhòa. Khi phim không kịch tính, mối quan hệ của nhân vật không sâu sắc hay khán giả không thể kết nối với tác phẩm thì mọi cảm xúc là vô nghĩa.
Dàn nhân vật thiếu điểm nhấn
Mất đi Thanh Hằng ở Cù Lao Xác Sống, Bến Phà Xác Sống không còn ai để gánh phần diễn xuất. Công của Huỳnh Đông tiếp tục là nhân vật chính và có thêm nhiều cảnh hồi tưởng. Song, nhiêu đó vẫn không đủ để đào sâu thêm tâm lý của người thầy thuốc này hay giúp anh tạo được sự đồng cảm của khán giả. Trần Phong, Lê Lộc, Trung Huy hay Quỳnh Trang cũng không có nhiều khác biệt so với phần trước.
Trên thực tế, việc có quá nhiều nhân vật khiến Bến Phà Xác Sống phải chia nhỏ đất diễn. Như vai đại ca của Hoàng Mèo xuất hiện vài cảnh nhưng chẳng hiểu để làm gì. Cuối cùng, ai cũng nhạt nhòa, ai cũng là kiểu hình mẫu mà khán giả bắt gặp trong hàng chục phim zombie khác. Tất cả tính cách, suy nghĩ, tâm lý của họ đều phải thể hiện qua lời thoại cho tiết kiệm thời lượng thay vì kể câu chuyện quá khứ hay tạo ra những tình huống mà người xem tự cảm nhận được.
Nhân vật có kha khá đất diễn trong phần phim lần này là Diễm. Sau màn “lật mặt” ở phần trước, cô đã giải thích lý do mình trả thù nhóm của Công. Nhân vật được xây dựng theo hướng thương con đến cực đoan, vì mất con mà đâm ra thù hận đến mức phát điên. Trong một vài cảnh, diễn xuất của Ốc Thanh Vân tạo được cảm giác rùng rợn. Song, phần lớn thời lượng thì cô lại làm liên tưởng đến Asin (Jun Ji Hyun) của loạt Kingdom mà thôi.
Chấm điểm: 2/5
Bến Phà Xác Sống cho thấy đạo diễn Nguyễn Thành Nam và nhà sản xuất Nhất Trung có sự tiếp nhận phản hồi của khán giả. Song, phim vẫn còn quá nhiều điểm yếu, nhất là ở khâu kịch bản.
Nguồn ảnh: NSX
Đây là bộ phim xuất sắc nhất hiện tại: Đứng hạng 1 ở 84 quốc gia, netizen tán thưởng “diễn viên toàn người đẹp”
Bộ phim này đang trở thành hiện tượng, vượt kỷ lục vô tiền khoáng hậu của những series đình đám như Stranger Things hay Wednesday.