Bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn ở Tây Ninh sắp được ghép da

Vết thương do rắn cắn gây hoại tử ở vùng đùi phải khó có thể tự lành. Để người bệnh nhanh chóng bình phục, sẽ tiến hành ghép da tự thân.

Sau gần 3 tuần bị rắn hổ chúa cắn phải nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh” sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Bác sĩ sẽ tiến hành ghép da tự thân để xử lý vết thương vùng đùi.

Nỗ lực của các bác sĩ đã giúp bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy kịch. Ảnh: Dân Trí 
Nỗ lực của các bác sĩ đã giúp bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy kịch. Ảnh: Dân Trí 

Ngày 7/9 TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Sức khỏe của nam bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn đã ổn định hoàn toàn, bệnh nhân tỉnh táo, vui vẻ, tiếp xúc tốt. Các vết thương cắt lọc vùng hoại tử ở đùi đang lên mô hạt khá ổn định. Vết thương do rắn cắn gây hoại tử trên diện rộng ở vùng đùi phải của bệnh nhân khó có thể tự lành. Để người bệnh nhanh chóng bình phục, chúng tôi sẽ tiến hành ghép da tự thân cho bệnh nhân”, theo Dân Trí.

Cũng theo TS.BS Quốc Hùng các xét nghiệm liên quan cho thấy, tình trạng nhiễm độc do nọc rắn ở người bệnh đã được loại bỏ hoàn toàn. Tình trạng viêm cơ tim bệnh nhân từng phải đối mặt được kiểm soát rất tốt. Hiện, bệnh nhân bỏ được máy kích thích nhịp tim tạm thời. Đến hôm nay, bệnh nhân có thể tự xử lý được các vấn đề liên quan đến sinh hoạt cá nhân. Hạn chế duy nhất ở bệnh nhân hiện nay chỉ là tình trạng đau ở vị trí vết thương nhiễm trùng, hoại tử trên vùng đùi chưa lành.

Trước đó, sáng 19/8, người đàn ông phát hiện con rắn hổ mang chúa ở khu vực gần núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Người này dùng tay bắt nên bị rắn cắn vào đùi phải, theo LĐO.

Ngay lập tức, bệnh nhân được người dân gần đó buộc garô chặt quanh đùi và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Lúc này, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, vẫn giữ chặt con rắn trên tay. 

Tuy vậy, tình trạng bệnh nhân mỗi lúc nặng thêm, bắt đầu tím tái, khó thở... nên được chuyển viện xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

Tại đây, bệnh nhân được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực, thở máy. Các bác sĩ cho bệnh nhân dùng máy thở hỗ trợ hô hấp, thuốc an thần, đồng thời sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương