Bộ Y tế nói gì về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh?

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra...

Ngày 17/6, Bộ Y tế đã có thông tin về thực trạng công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế hiện nay.

Theo Bộ Y tế, thời gian vừa qua, để bảo đảm kịp thời cho công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung và phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng, các cơ quan chức năng và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn và đôn đốc về công tác đấu thầu, mua sắm.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương, đặc biệt là việc đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Hiện đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị, dù Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

Các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.

Vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Cũng theo Bộ Y tế, còn có nguyên nhân nữa là việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực. Tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.

Bộ Y tế cũng thẳng thắn cho biết có nguyên nhân do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung Quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thẩu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan:

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản số 1589/BYT-KH-TC ngày 30/3/2022 đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 01/10/2020 của Bộ Y tế và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao…

Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc xây dựng và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Xác định nhu cầu, dự báo chi tiết, hợp lý về danh mục, chủng loại, số lượng các loại trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao dự kiến cần mua trong năm kế hoạch, đặc biệt trong trường hợp trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao mới được đưa vào danh mục mua sắm do nhu cầu sử dụng tăng hoặc áp dụng danh mục dịch vụ kỹ thuật mới đưa vào sử dụng so với năm trước liền kề.

Tiếp đó, ngày 29/4/2022, trước nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2206/BYT-BH đôn đốc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đáp ứng việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Ngày 2/6/2022, Cục Quản lý Dược ban hành Công văn số 4781/QLD-ĐK công bố đợt 1 danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến đợt 2 công bố xong trước ngày 15/7/2022.

Thanh Mai

Bãi giữa sông Hồng nước ngập bốn bề, cuộc sống của hàng trăm người dân phụ thuộc vào một chiếc đò

Bãi giữa sông Hồng nước ngập bốn bề, cuộc sống của hàng trăm người dân phụ thuộc vào một chiếc đò

Mưa lớn nhiều ngày qua, nhà máy thủy điện Hoà Bình xả lũ nên mực nước sông Hồng dâng lên rất cao khiến bãi giữa sông Hồng chìm trong biển nước.